Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa công bố bản báo cáo phân tích những xu hướng mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên thế giới, trong đó khẳng định xu hướng tăng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt ở châu Á.
Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ở châu Á đã tăng từ 27,9% năm 1997 lên 31,5% năm 2002. Trong khi đó, tỷ lệ này lại có dấu hiệu giảm sút ở khu vực Bắc Mỹ (từ 38,2% năm 1997 xuống còn 37% năm 2002) và ở châu Âu (giảm từ 28,8% năm 1997 xuống còn 27,3% năm 2002).
Theo báo cáo, phát triển khoa học và công nghệ giờ đây đã trở thành mũi nhọn của nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế, xã hội ở mỗi nước. Tiến trình toàn cầu hóa đang mang lại triển vọng mới cho việc tăng cường hợp tác quốc tế, giúp đỡ nhiều nước có điều kiện hội nhập phát triển.
Trong bảng xếp hạng các nước đi đầu về đổi mới các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, Thụy Điển dẫn đầu bảng xếp hạng. Tiếp theo là Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, Thụy Sĩ, Anh và Đan Mạch.