Cháu ngoại nhà Hóa học nổi tiếng Marie Curie vừa có mặt tại Việt Nam với sứ mệnh truyền nhiệt huyết đam mê khoa học của mình cho giới trẻ thông qua mô hình “Bàn tay nặn bột” - một phương pháp nhằm phát triển khả năng nhận thức và sáng tạo cho trẻ em.
Ông là Pierre Joliot Curie, một nhà sinh học nổi tiếng của Pháp. Một giờ trước khi rời Hà Nội về Pháp, ông đã dành cho Tiền phong Online một cuộc trò chuyện về con đường nghiên cứu khoa học của mình.
Vượt qua cái bóng của gia đình nổi tiếng
Mở đầu câu chuyện, ông không khỏi tự hào về dòng họ mình, một gia đình khoa học nổi tiếng mà ông bà ngoại, bố mẹ đều đoạt giải Nobel. Ông cho biết: “Sự nổi tiếng và các công trình nghiên cứu của ông bà là đỉnh cao”. Tuy nhiên, để vượt qua cái bóng của sự nổi tiếng này không hề đơn giản chút nào đối với Pierre Joliot Curie.
Ông vốn tự ti rằng mình là người “dốt” nhất dòng họ. Ông bà ngoại Marie Curie - Pierre Curie và bố mẹ Frédéric Joliot - Iróne Curie đều được giải thưởng Nobel về Vật lý và Hóa học (vào các năm 1903, 1911 và 1935). Người chị Helen cũng được thừa hưởng nhiều gen trội của dòng họ và đã đạt được nhiều thành tựu trong khoa học.
Tuy nhiên, cha mẹ ông không hề ép buộc cậu con trai duy nhất, mà chính phương pháp giáo dục khoa học của ông bà đã thu hút ông vào nghiên cứu khoa học từ lúc nào không hay. Rất tiếc, khi ông ra đời, ông bà ngoại (Marie Curie và Pierre Curie) không còn nữa, nên ông không có cơ hội tiếp xúc với ông bà mình, mà chỉ biết đến ông bà mình qua những câu chuyện.
Ông tâm sự: “Khi còn là sinh viên, nghiên cứu khoa học đã làm tôi có nhiều niềm vui thú. Tôi nghĩ, bố mẹ tôi đã cho tôi một nền giáo dục, giúp tôi trong nghiên cứu sáng tạo. Nghiên cứu sáng tạo trong khoa học cũng giống như công việc của các nhà văn, nhà thơ. Đừng có tự mãn, đừng nghĩ rằng mình sinh ra trong một gia đình nổi tiếng. Tôi đã giải quyết được vấn đề đó. Tôi học được "cách chơi" với khoa học. Đến giờ, tôi vẫn giữ được niềm vui, niềm đam mê nghiên cứu khoa học”.
Pierre Joliot Curie say sưa nói chuyện về mô hình "Bàn tay nặn bột". (Ảnh: Lan Anh) |
Minh chứng cho lời nói đó, ông cho biết, năm nay ông đã 75 tuổi với 30 năm nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn "chơi" ở phòng thí nghiệm của mình như đứa trẻ lên 8. Bởi theo ông, nghiên cứu chỉ có thể được tiến hành như trò chơi.Trẻ em rất có khả năng này, vì nó chưa biết gì và ham tìm tòi sáng tạo. Còn khi đã biết nhiều rồi, đấy là lúc sáng tạo giảm nhiều. Và nay, khi về hưu, ông lại dành hết nhiệt huyết cho sáng tạo.
Quan điểm nghiên cứu này của Pierre đã từng làm cho các đồng nghiệp thấy “sốc” vì theo họ, nghiên cứu là phải nghiêm túc, phải làm việc cật lực, không thể như một trò chơi được.
Theo ông, trẻ em cần được thôi thúc trí sáng tạo ngay từ khi học tiểu học. Cháu nội của ông năm nay 12 tuổi cũng đã bắt đầu say mê sáng tạo từ những bài giảng của người thầy. Ông cũng cảm thấy mãn nguyện khi hai cậu con trai ông cũng đều đi theo con đường nghiên cứu.
Để có thể đi tới thành công, ông luôn mang theo mình kinh nghiệm của bà ngoại Marie Curie và Albert Einstein: chấp nhận thất bại chính là chấp nhận vượt qua định kiến, những chuẩn mực lỗi thời. Người thành công là người biết vượt qua mọi định kiến.
“Tôi phải mất 10 năm để công bố một công trình nghiên cứu. Nhờ những nghiên cứu đó, tôi đã được chọn là một trong hai nhà khoa học nổi tiếng của Pháp được mời sang Mỹ tham dự Hội thảo khoa học”. Ông Pierre cho biết.
Mô hình “Bàn tay nặn bột”
Thực ra, mô hình La main a le parte, tiếng Anh là Hands On và tạm dịch sang tiếng Việt là Bàn tay nặn bột được bắt nguồn từ một địa phương ở Mỹ nhằm thu hút giới trẻ vào nghiên cứu khoa học.
Chương trình tập trung phát triển khả năng nhận thức của trẻ em một cách khoa học nhất, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Sau này, Pháp phát triển lên từ ý tưởng này. Chỉ trong vòng 5 năm, đã có 12 nước áp dụng mô hình này.
"Trung Quốc là nước láng giếng của Việt Nam cũng đã áp dụng thành công. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc được", ông Pierre khẳng định. Và chuyến đi của ông lần này chính là để tiến tới một kết quả cụ thể. Ông cho biết, ông rất tin tưởng vào sự thành công của mô hình này tại Việt Nam.
Ông cũng lấy làm tiếc khi mà rất nhiều nhà nghiên cứu giỏi của Việt Nam bị các nước tiên tiến trên thế giới "quyến rũ". Theo ông, nếu không có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu, họ sẽ đi hết. Một đất nước không có nhân tài thì khó có thể làm được việc lớn lao. Việt Nam đang phát triển nhhanh, chính vì thế ngay từ bây giờ phải chuẩn bị được điều kiện làm việc tốt cho các nhà khoa học.
Thực ra, tại Việt Nam, mô hình Bàn tay nặn bột được manh nha từ trước năm 2000. Việt Nam và Pháp đã có những dự án hợp tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học từ 10 năm nay. Giáo sư Việt kiều Pháp Jeans Thanh Vân, tác giả của Gặp gỡ Việt Nam, đã áp dụng mô hình này tại 4 lớp thí điểm cho trẻ em 11 tuổi.
Rất nhiều sinh viên khoa tâm lý của trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội cũng đã được đào tạo mô hình này. Một số người đã được cử sang Paris, Marseille của Pháp để học hỏi mô hình này từ năm 1998, 1999.
Năm 2001, trường Đại học sư phạm 1 đã chính thức áp dụng mô hình này thành một môn học cho các sinh viên sư phạm, những người sẽ đứng lớp dạy trẻ em 11 tuổi sau này.
Lần đầu tiên sang Việt Nam, nhà khoa học của dòng họ nổi tiếng Joliot - Curie này cũng đã cảm nhận được sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam mặc dù chỉ qua những chuyến cuốc bộ trên đường phố. Ông hy vọng 2 đến 3 năm nữa có dịp được trở lại Việt Nam để có thể chứng kiến được thành quả phát triển vượt bậc của Việt Nam.
Lan Anh
Đôi nét về Pierre Joliot Curie Là chuyên viên nghiên cứu từ năm 1956. Năm 1974, ông trở thành giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Ông giữ chức trưởng khoa sinh học Trường Đại học Sư phạm (Ulm) từ năm 1987 đến năm 1992 cùng các chức vụ khác, trước khi đảm nhiệm chức Chủ tịch hội đồng nghiên cứu khoa học của trường Đại học Sư phạm Lyon. |