Châu Phi đau đớn, bất lực đứng nhìn 1/3 đàn voi của mình ra đi trong 7 năm vừa qua

Đã đến lúc nhân loại thức tỉnh và ra tay hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, hướng đến bảo vệ sự toàn vẹn của hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Đầu tuần vừa rồi, một cảnh tượng kinh hoàng đã được phát hiện khi xác 26 con voi bị sát hại được tìm thấy tại Công viên Bảo tồn Quốc gia Chobe của Bostwana - một trong những vụ săn bắn trái phép tàn nhẫn nhất trong lịch sử hoạt động của công viên.

Tin dữ trên mới chỉ là một phần trong chuỗi những vụ săn trộm phi pháp và trắng trợn đã và đang đe dọa sự tồn tại của toàn thể loài voi châu Phi còn sót lại trên hành tinh. Một bản điều tra thống kê được đăng tải vào thứ Tư đã cho thấy 30% số voi đồng cỏ hoang dã châu Phi đã biến mất chỉ do nạn săn bắn hoành hành từ năm 2007-2014, tương đương 144.000 cá thể, và con số đó vẫn không ngừng tăng lên với 8% bị giết hại thêm mỗi năm.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về tình trạng của giống voi rừng châu Phi gần gũi, với con số đưa ra còn khủng khiếp hơn - giảm 62% từ 2002-2011 - và chắc chắn sẽ phải cần đến ít nhất 100 năm để có thể giúp chúng trở lại như lượng cá thể ban đầu, vì đây là loài có thói quen sinh sản chậm hơn nhiều so với thông thường. Cho tới nay, chỉ khoảng 100.000 con voi rừng được ước tính còn sót lại.

Con số thống kê chính xác về loài voi đồng cỏ châu Phi được đưa ra từ Great Elephant Census (GEC), tài trợ bởi nhà đồng sáng lập nên Microsoft Paul G. Allen và gia đình của mình, với sự tham gia của 18 quốc gia cùng cung cấp thông tin và số liệu. Tổ chức này tính toán chỉ còn 352.000 con voi đồng cỏ, một con số khiêm tốn so với 1,3 triệu con vào năm 1979.

"Với những con số biết nói trên, chúng tôi mong toàn bộ thế giới sẽ thực sự thức tỉnh và chung tay bảo vệ hệ sinh thái vốn có cũng như sự tồn tại của loài vật mang tầm quan trọng lớn lao này," Allen phát biểu.

Mặc dù 84% số voi trên được nuôi giữ trong các khu bảo tồn chính thức và được công nhận của các quốc gia trên thế giới, thế nhưng GEC cũng cho biết thêm rằng điều kiện bảo vệ và giám sát là chưa đủ chặt chẽ, do đó các xác voi bị chết được tìm thấy đã không còn là điều xa lạ tại những khu bảo tồn được cho là an toàn này.

"GEC là hiện thân hoàn hảo cho sự giao thoa giữa công nghệ, khoa học và thế giới tự nhiên," trích lời nhận định của Tanya Sanerib đến từ Trung tâm Đa dạng Sinh thái, người đã từng đệ đơn xin phép được đưa loài voi châu Phi vào danh sách bị đe dọa nguy hiểm dưới phạm vi của Đạo luật Bảo vệ Động vật hoang dã Hoa Kỳ.

"Tuy nhiên, có lẽ như vậy vẫn là chưa đủ để ngăn chặn tỷ lệ tụt giảm nhanh chóng đến bất ngờ, hơn cả dự kiến ở loài vật này. Những số liệu gần đây chứng tỏ nếu chúng ta không hành động nhanh và dứt khoát trong nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắn phi pháp, cấm buôn bán ngà voi lậu, và đặc biệt là mở rộng phạm vi cũng như mức độ bảo vệ nghiêm ngặt dành cho voi châu Phi thì không sớm thì muộn, Trái Đất sẽ không còn thấy sự hiện diện của chúng nữa."

Được biết, nhánh voi rừng châu Phi (mới được tách ra là một loài riêng) là loài bị chịu tổn nhiều tổn thất nặng nề. Các nghiên cứu và theo dõi khoa học cho thấy trung bình một con voi rừng cái chỉ sinh đẻ khi chạm tới độ tuổi 23, và tần suất sinh sản cũng rất ít, chỉ 1 lần trong 5-6 năm. Về phần voi đồng cỏ, 12 là ngưỡng tuổi sinh sản của chúng và sau 3 năm lại có thể tiếp tục cho ra đời một lứa voi mới.

"Điều này nghiêm trọng hơn so với những gì chúng tôi từng tính toán," chia sẻ bởi George Wittemyer, Chủ tịch Ban điều hành nghiên cứu khoa học của tổ chứ Save the Elephants đồng thời cũng là giáo sư nghiên cứu động vật hoang dã tại Đại học bang Colorado. "Chúng tôi thật sự không kịp nhận ra sự khó khăn trong quá trình gây giống của chúng trước đó."

Wittemyer cũng nhận xét rằng voi rừng châu Phi đang sống ở trong một môi trường không hoàn toàn thuận lợi và lý tưởng cho tập tính cũng như thói quen sống của mình, khiến cho công cuộc phục hồi số lượng cá thể trở về như trước càng khó khăn hơn. Cụ thể, mặc dù xung quanh chúng vẫn có sự đa dạng về mặt sinh thái của các loài động/thực vật khác, nhưng hầu hết thức ăn thích hợp đều bị chiếm phần bởi chim, khỉ và một số loài sống trên cây khác, tạo nên những khó khăn nhất định về khía cạnh đảm bảo dinh dưỡng. "Động vật sống dưới đất chắc chắn thiệt thòi và luôn là kẻ đến sau."

Tất cả những vấn đề trên sẽ được đưa ra chính thức vào thời gian sắp tới, khi mà các nhà ủng hộ bảo vệ môi trường sẽ cùng tham gia cuộc họp tổ chức tại Hawaii do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đứng đầu, cũng như cuộc gặp gỡ hàng năm của Hội nghị thảo luận Vấn đề Buôn bán Động vật Quý hiếm diễn ra vào cuối tháng 9 tại Johannesburg, Nam Phi.

Sự kiện thứ 2 có lẽ là quan trọng hơn cả, vì Namibia và Zimbabwe đã sửa đổi lại, nới lỏng một số giới hạn của bộ luật cấm buôn bán ngà voi, vốn có hiệu lực từ năm 1989. Cả hai quốc gia đã đưa ra quan điểm của mình rằng số voi trên lãnh thổ của họ đạt đến một sự đa dạng đủ để duy trì an toàn kể cả khi khai thác khía cạnh buôn bán từ ngà của chúng. (GEC đã thống kê số voi của Zimbabwe hiện tại là 82.000, giảm 6% trên tổng thể nhưng xét về một vùng nhất định, con số đó có thể lên đến 74%. Namibia hiện vẫn chưa có thông tin gì thêm được đưa ra)

Wittemyer cũng quả quyết rằng việc hợp pháp hóa buôn bán ngà voi chưa bao giờ là một động thái đúng đắn cả. "Chúng ta cần tiếp tục đấu tranh đến cùng cho tới khi mọi vấn nạn liên quan ít nhất phải được giảm thiểu một cách đáng kể trên toàn châu Phi nói chung và loài voi nói riêng. Đó mới chính là điểm cốt lõi cuối cùng phải được thống nhất và làm rõ."

Cập nhật: 04/09/2016 Theo genK
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video