Khu vực đầm lầy bao quanh sân bay quốc tế San Francisco (SFO) trở thành nơi ở của quần thể rắn sọc nguy cấp lớn nhất thế giới.
Rắn sọc San Francisco. (Ảnh: Peninsula Open Space Trust).
Được mệnh danh là loài rắn đẹp nhất Bắc Mỹ, rắn sọc San Francisco có số lượng khoảng 1.000 - 2.000 con trong tự nhiên. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Cục khảo sát Địa chất Mỹ và Cơ quan Cá và Động vật hoang dã xác định hơn 72 hecta đất đầm lầy và đồi núi xung quanh SFO là nơi ở của 1.300 con rắn sọc nguy cấp. Các chuyên gia cho biết đây là mật độ rắn lớn nhất từng được phát hiện, dấy lên hy vọng loài rắn này đang trên đà phục hồi.
Rắn sọc San Francisco có chiếc đầu màu cam, cơ thể màu xanh ngọc - xanh dương đi kèm vạch sọc màu cam và đỏ. Con trưởng thành có thể đạt chiều dài hơn một mét và chúng chủ yếu ăn ếch chân đỏ California cũng sống ở quanh sân bay. Đó có thể là lý do hơn 1.000 con rắn sọc kéo tới khu vực.
Rắn sọc sinh sống ở West-of-Bayshore, môi trường trải dài 72 hecta dọc vùng đất chưa phát triển từ cao tốc Bayshore Freeway tới SFO. Cả ếch chân đỏ và rắn sọc đều nằm trong danh mục được bảo vệ của liên bang. Ban quản lý sân bay đã cam kết chịu trách nhiệm quản lý môi trường sống của chúng. Rắn sọc mất môi trường sống tự nhiên do hoạt động nông nghiệp, thương mại, phát triển đô thị và săn bắt trái phép. Chúng được xếp vào nhóm loài bị đe dọa năm 1967, theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Sacramento.
"Phạm vi sinh sống hạn chế trên bán đảo San Mateo Peninsula, khiến chúng dễ bị tổn thương trước nạn chặt phá rừng, đầm lầy và nạo vét ao hồ, cũng như sự suy giảm của nguồn thức ăn chính là ếch chân đỏ California", đại diện SFO cho biết. "Thông qua nỗ lực hợp tác với cơ quan quản lý tài nguyên, SFO đang nỗ lực bảo vệ và bảo tồn số lượng hai loài".