Chạy đua hạt nhân ở Trung Đông

Iran chưa phải là quốc gia duy nhất trong vùng có chương trình nghiên cứu hạt nhân, thậm chí còn mơ chế tạo bom A! Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập cũng chẳng kém Iran bao nhiêu...

Trùm tình báo Saudi Arabia, ông hoàng Murqi, hôm 8-12-2006 tại Bahrain, trước một cử tọa là các quan chức phương Tây bất ngờ lớn tiếng: “Nếu Iran có bom nguyên tử, chúng tôi, các nước ôn hòa trong vùng, cũng phải vũ trang thôi”. Một tháng sau đã có cảnh báo thứ nhì, lần này là Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak: “Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn thiên hạ trong vùng vũ trang bom nguyên tử”.

Hăm dọa “cho vui” hay là “nói thiệt”? Liệu Trung Đông sẽ là một cỗ bài đôminô hạt nhân mới? Nếu Tehran có bom nguyên tử, liệu Saudi Arabia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có chịu ngồi yên? Họ có đủ khả năng và phương tiện để bước lên vũ đài này không? Các chuyên gia hạt nhân từ Washington đến Paris đều quả quyết: 1- Dĩ nhiên Saudi Arabia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn lo sợ Iran và nghi ngờ sức mạnh bảo vệ của Mỹ, có đủ lý do để tự vũ trang. 2- Họ đã chuẩn bị ít nhiều từ... lâu lắm rồi! 3- Họ dễ dàng có bom nguyên tử rất sớm.

Lý do nào để vũ trang bom nguyên tử? Suat Kiniklioglu, thuộc Trung tâm chiến lược Mỹ German Marshall Fund, chi nhánh Thổ Nhĩ Kỳ, nói: “Chúng tôi không muốn Iran qua mặt mình! Cho đến nay, hai nước chúng tôi gần bằng nhau: có dân số, diện tích, mức sống và sức mạnh quân sự như nhau. Nếu Tehran có bom, sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ, chúng tôi sẽ bị dồn xuống thế hạ phong. Người Iran có thể xen vào chuyện nội bộ của chúng tôi như đã từng làm. Đồng minh Syria của họ có thể phát động trở lại cuộc chiến tranh giành nguồn nước vốn đã căng thẳng từ nhiều thập niên qua với chúng tôi. Tóm lại, chúng tôi không thể ngồi yên chịu chết được! Chúng tôi phải lập lại thế cân bằng với họ”.

Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ đã được bảo vệ chiếc “” hạt nhân của NATO cùng 60 quả bom hạt nhân tại căn cứ Incirlik. Về điều này, Suat nhún vai trả lời: “Chúng tôi không tin NATO, cũng chẳng tin Mỹ. Chúng tôi chỉ tin vào chính bản thân mình. Chính vì thế chúng tôi cũng phải có bom, sớm hay muộn thôi”. Ông còn nói thêm: “Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu chúng tôi có bom nguyên tử vào năm 1993? Chúng tôi đã không phải sợ người Nga và có thể giúp người anh em Azeris trong cuộc chiến với Armenia, đồng minh của Nga”.


(Ảnh: TTO)

Quan điểm của Saudi Arabia lại hoàn toàn khác. Nhưng động lực để có bom lại rất nhiều và... cấp bách! Robert Einhorn, một nhà cựu ngoại giao cao cấp Mỹ, vừa từ Trung Đông về, cho biết: Khác với Thổ Nhĩ Kỳ, hoàng gia Saudi Arabia xem bom nguyên tử của Iran là mối đe dọa trực tiếp đối với sự tồn tại của mình. Đó là một đất nước mênh mông, ít dân và phòng thủ lỏng lẻo. Quân đội rất yếu và không còn quân Mỹ đóng trên lãnh thổ nữa. Một Iran có “doping” sẽ gây áp lực cực kỳ trên hoàng gia. Họ sẽ “đòi lại” các thánh địa và những vùng dầu hỏa có đa số người Shiite sinh sống. Cũng như Thổ, Saudi Arabia không tin vào sức mạnh của Mỹ. Từ năm 2001, tại thủ đô Ryiad người ta đã không tin rằng Nhà Trắng sẽ dùng bom nguyên tử bảo vệ một quốc gia đã từng cung cấp 15 trong số 18 tên khủng bố cho ngày 11-9.

Còn đối với Ai Cập, vấn đề lại khác. George Perkovich, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Carnegie tại Washington, mới thăm Ai Cập về, cho biết: “Cairo không bị sức mạnh quân sự của Tehran đe dọa. Nhưng họ tự xem mình là “đàn anh” tự nhiên ở Trung Đông. Nay họ cảm thấy đã bị qua mặt bởi Saudi Arabia trên trường quốc tế, thì một quả bom của Iran sẽ làm cho Ai Cập mất hoàn toàn vị thế “đại ca”!”.

Nhiều chuyên gia quả quyết: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã từ lâu tìm kiếm cái mà họ gọi là “chọn lựa quân sự hạt nhân”. Năm ngoái, ba quốc gia này đã tìm mua các lò nguyên tử dân sự. Mục tiêu? Chính thức là giải quyết nhu cầu năng lượng đang tăng vọt. Robert Einhorn giải thích: “Không sai. Nhưng còn một lý do khác “khó nói” hơn. Họ muốn có một hạ tầng hạt nhân dân sự để khi cần biến sang quân sự!”. Nhà chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ Suat Kiniklioglu thẳng thắn công nhận: “Dĩ nhiên, các lò nguyên tử sẽ được dùng vào việc đó. Đó là ý tưởng rất hay mà Ankara cũng phải công nhận”.

Một lịch sử tìm kiếm bom nguyên tử đáng sợ

Cả ba quốc gia này đều có một lịch sử hạt nhân không đơn giản. Ai Cập đã lao vào từ năm 1960. Với Tổng thống Nasser, mục tiêu là đối phó với Israel lúc đó đang tìm cách chế tạo bom nguyên tử với sự giúp đỡ của Pháp. Ông đã mua một lò phản ứng hạt nhân của Liên Xô, gửi các kỹ sư đến Matxcơva học nghề và xây dựng hai trung tâm nghiên cứu nguyên tử. Ông còn tìm cách mua lại của Liên Xô và Trung Quốc một quả bom làm sẵn nhưng thất bại! Giấc mộng hạt nhân của Ai Cập sụp đổ sau cuộc chiến tranh Kippur năm 1973. Người kế vị là Anwar al-Sadat lại chọn lựa một chiến lược hoàn toàn khác: liên minh với Washington và ký kết hòa bình với Israel. Ông ký hiệp ước không phổ biến hạt nhân và từ bỏ chương trình chế tạo bom nguyên tử. Đổi lại, Nixon buộc bà Thủ tướng Golda Meir của Israel không khiêu khích Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác. Israel không được phép thử bom và không bao giờ tuyên bố chính thức có bom nguyên tử. Hiệp ước có hiệu lực đến tận hôm nay, dù ông Ehud Olmert có “lỡ lời” hé lộ vào năm 2006!

Nhưng, kể từ lúc đó Ai Cập có hoàn toàn giữ lời hứa không? Người Mỹ rất nghi ngờ. George Perkovich giải thích: “Nhiều lần, từ thập niên 1970-1980, Nhà Trắng gây áp lực buộc Cairo không được mua các nhà máy điện nguyên tử vì sợ rằng họ sẽ che đậy một chương trình... quân sự mới!”. Nghi ngờ vẫn còn đến hôm nay. Ai Cập vẫn còn có hai trung tâm nguyên tử với 800 kỹ sư nằm rải rác trong các viện nghiên cứu. Mục đích? Chính phủ trả lời: y học, lọc nước mặn, khai thác điện lực. Thérèse Delpech, nhà nghiên cứu Pháp tại Trung tâm hạt nhân quốc gia, cho biết: “Năm 2005, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Cairo đã không báo cáo một vài hoạt động hạt nhân “nhạy cảm”. Nhất là trong lĩnh vực khai thác plutonium”. Quên khai báo hay cố tình che giấu một chương trình bí mật? Câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chưa hết. Thérèse hỏi tiếp: Có mối quan hệ gì giữa Cairo và Tripoli trong chương trình hạt nhân của Libya? Cuối năm 2003, đại tá Kadhafi công nhận đã mua các máy ly tâm và bản vẽ một quả bom nguyên tử của Abdul Qadeer Khan, “cha đẻ” bom nguyên tử Pakistan. Cuối cùng ông đã giao hết lại cho người Mỹ để được xóa tên trong danh sách “các quốc gia ác ôn”! Nhưng, làm sao biết chắc Ai Cập, hay tối thiểu các cơ quan tình báo của nó, lại làm ngơ với đường dây buôn lậu này trong suốt 20 năm? Nhiều người quả quyết Cairo vốn là “đàn anh” của Tripoli nhất định biết cách khai thác chuyện này.

Robert Einhorn giải thích: “Mubarak không hề điên, ông chỉ muốn công khai quan điểm của mình: ngưỡng mộ Ahmadinejad, người giúp ông nuôi tham vọng hạt nhân cho chính quốc gia mình. Nhưng thật sự lao vào một chương trình hạt nhân phải tốn kém rất nặng nề. Và người Mỹ sẽ chẳng bao giờ để yên. Họ sẽ cúp các viện trợ và làm cho Ai Cập bị cô lập. Chế độ của ông sẽ khó lòng tồn tại. Nhưng vì mối đe dọa của Iran mà Israel công khai hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, sẽ mở đường cho Ai Cập lao theo”.

Phần Saudi Arabia, Robert Einhorn và đồng nghiệp còn lo ngại hơn. Chính Ryiad mới có một lịch sử hạt nhân đáng sợ. Nhiều tin đồn và sự thật cũng đã được xác minh. Năm 1988, Chính phủ Mỹ phát hiện Ryiad mua mấy chục tên lửa CSS-2 của Trung Quốc. Cơ động, chúng được cất giữ trong một nhà kho ở giữa sa mạc, do một nhóm chuyên gia Trung Quốc đích thân canh gác. Loại tên lửa tầm xa 2.700km này dùng để gắn... đầu đạn hạt nhân! Bruno Tertrais, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ, giải thích: “Tên lửa CSS-2 bắn rất chính xác. Nó chỉ hiệu quả khi được gắn đầu đạn hạt nhân”.

Bị phát hiện, Saudi Arabia chối phăng, và để chứng minh thiện chí... đã không ngần ngại ký ngay Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1988. Và chỉ đến như thế, rồi thôi! Bruno nói tiếp: “Những bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy căn cứ này được hiện đại hóa và mở rộng. Mục đích gì?Thật khó nói, bởi vì phần lớn căn cứ nằm trong lòng đất. Saudi Arabia tài trợ rất nhiều tiền cho chương trình hạt nhân Pakistan để khi nào cần thiết, họ có quyền sử dụng kho bom của Pakistan! Tôi không có bằng chứng nhưng cũng như nhiều chuyên gia, chắc chắn phải có một hiệp ước nào đó được ký kết”.

Làm sao chuyện đó xảy ra được? Robert Einhorn giải thích: “Pakistan hành động giống như Hoa Kỳ đối với các nước NATO: đặt tên lửa trên đất Saudi Arabia và đích thân canh giữ. Có ai dám tưởng tượng: một trung đoàn Pakistan đang có mặt tại Saudi Arabia? Chỉ cần gửi đầu đạn hạt nhân đến là xong ngay! Chuyện đó hoàn toàn hợp pháp. Ảrập Saoudite không hề vi phạm hiệp ước cấm thủ đắc vũ khí hạt nhân. Ai biết được?”.

Phần Thổ Nhĩ Kỳ cũng thế. Suốt những năm 1980, giới quân sự cầm quyền tại Ankara đã bí mật trợ giúp Pakistan trang bị bom nguyên tử bằng cách chuyển giao các thiết bị quan trọng. Được báo động, Nhà Trắng tìm cách ngăn chặn vụ buôn lậu này. Tổng thống Ronald Reagan đã đích thân can thiệp ngày 27-6-1988 trong một cuộc nói chuyện tay đôi căng thẳng với tướng Kenan Evren. Các tư liệu mới tiết lộ: tổng thống Mỹ đã chửi bới xối xả và hăm dọa trả đũa. Cuối cùng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới chịu khuất phục và đồng ý chấm dứt chương trình buôn bán này.

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Nhiều người nghi ngờ Ankara đã gửi chuyên gia đến Islamabad để học. Tin tức này đã được Hi Lạp xác nhận. Nhưng cũng được bộ trưởng quốc phòng Pakistan nói đến trong một tuyên bố trên báo chí vào năm 1989: “Mặc cho những cố gắng ngăn chặn, một mối quan hệ anh em giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan vẫn được thắt chặt. Chúng tôi giống như đã hòa nhập làm một”. Ai hiểu thế nào thì hiểu.

Dù sao, liệu hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng chế tạo bom nguyên tử? Giám đốc Viện Chính sách đối ngoại tại Ankara, Seyfi Tashan, tin tưởng: “Chúng tôi có hai lò nguyên tử, nhiều mỏ uranium, hàng trăm nhà bác học và cơ sở hạ tầng tốt nhất Trung Đông. Thật ra chúng tôi chỉ thiếu chất liệu phân hạch. Bạn đã hiểu vì sao. Dù là đồng minh, thành viên NATO, người Mỹ vẫn luôn ngăn cản chúng tôi mua các nhà máy điện nguyên tử. Mỗi khi có một hợp đồng sắp ký kết với nước ngoài, đến phút chót đều bị Washington chặn lại. Bây giờ họ cũng làm như thế. Nhưng chúng tôi sẽ không nhịn nữa”.

Ankara đã sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân? Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên trả lời: “Chúng tôi không muốn thế. Dù Iran có bom nguyên tử, đó cũng không phải lý do để chạy theo. Chúng tôi có biện pháp khác để đối phó khi bị Tehran tấn công: NATO, máy bay, cộng đồng người Thổ ngay tại Iran... Và nếu chúng tôi lao vào cuộc đua, cánh cửa châu Âu sẽ đóng lại vĩnh viễn. Sau cùng, các nước khác cũng vũ trang. Chẳng phải mình cũng sẽ được bảo vệ hay sao?”. Người ta có chịu nghe ông hay không?  

ĐINH CÔNG THÀNH - Tuổi trẻ  (Dịch từ Le Nouvel Observateur 18-4-2007)

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video