Báo hoa mai hiếm ở Trung Quốc

  •  
  • 2.981

Hai con báo hoa mai Amur, loài động vật thuộc nhóm gặp nguy hiểm nhất thế giới, vừa được ghi hình ở Trung Quốc.

>>> Ảnh hiếm hoi về báo Amur ở Trung Quốc

Theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), hình ảnh đôi báo hoa mai Amur (Panthera pardus orientalis) được ghi lại qua một máy camera ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Uông Thanh, thuộc tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc. Đây là nơi nằm cách biên giới Trung Quốc-Nga, khu vực tập trung chủ yếu loài báo này, khoảng 30km.

Joe Walston, giám đốc điều hành các chương trình châu Á của WCS, cho biết đây là một phát hiện quan trọng vì nó cho thấy Trung Quốc có thể không còn đứng ngoài cuộc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, mà trở thành khu vực quyết định đến số phận của loài báo hoa mai Amur và loài hổ. Nếu chính phủ Trung Quốc ra quyết định, quốc gia châu Á này có thể phát triển một khu bảo tồn lớn dành cho các loài động vật hoang dã.

Báo hoa mai hiếm ở Trung Quốc
Hình ảnh hai con báo được ghi lại qua bẫy camera. (Ảnh: LiveScience)

Báo hoa mai Amur là loài động vật ăn thịt có nguồn gốc ở khu vực miền núi của rừng taiga cũng như rừng ôn đới khác ở Triều Tiên, đông bắc Trung quốc và Viễn Đông của Nga.

Theo Live Science, báo hoa mai Amur là loài báo cực kỳ nguy cấp trên thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện chỉ còn khoảng từ 30 đến 50 cá thể còn sống trong thế giới hoang dã.

Nạn săn bắn trái phép và tình trạng mất dần môi trường sống đang gần như xóa sổ loài báo này ở Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nhiệt độ băng giá và tuyết rơi ngăn chặn chúng phát triển số lượng loài về phía bắc. Khu vực dọc biên giới Nga-Trung Quốc, từ biển Nhật Bản đến tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, hiện có một số lượng nhỏ báo hoa mai sinh sống.

Các máy ảnh được đặt trong rừng là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ các loài báo hoang dã và hạn chế nguy cơ tuyệt chủng của chúng trong môi trường tự nhiên. Lần đầu tiên một con báo Amur được phát hiện qua máy ảnh ở Trung Quốc là vào năm ngoái.

Các nhóm bảo tồn động vật hoang dã đang cố gắng cải thiện việc thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các loài động vật, cũng như giúp người dân địa phương biết cách bảo vệ vật nuôi của họ an toàn khỏi nguy cơ tấn công của những kẻ săn bắn. Năm 2012, Công viên quốc gia Leopard, một khu vực bảo tồn đảm bảo khoảng 60% môi trường sống cho các loài động vật họ mèo, đã đi vào hoạt động ở vùng Viễn Đông của Nga.

Video hai con báo hoa mai Amur:

Theo VNE
  • 2.981