Chế tạo bình lọc asen trong nước sinh hoạt

Sử dụng đất sét, đá ong, đá son (limônit) đã được biến tính, các chuyên gia khoa Hoá, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, đã chế tạo thành công thiết bị xử lý asen trong nước sinh hoạt, rất an toàn, tiện lợi cho các hộ gia đình.

Về cơ bản, bình lọc có cấu tạo như các bình lọc thông thường nhưng bộ cột lọc có tính năng ôxy hoá và hấp phụ để giữ lại asen. Bình lọc có thể bằng inox hoặc nhựa với hai ngăn. Ngăn thứ nhất chứa một cột hấp phụ làm từ các hạt đất sét, đá ong và đá son đã được biến tính nhiệt và biến tính nhiệt hoá. Khi nước chảy qua cột này, asen và mangan trong nước sẽ bị giữ lại, còn nước sạch chảy vào ngăn thứ hai để sử dụng.

Theo tính toán, thiết bị xử lý asen quy mô hộ gia đình bằng inox có dung tích 20 lít có giá thành khoảng 450.000 đồng. Thiết bị tương tự nhưng bằng nhựa có giá thành khoảng 300.000 đồng. Khi sản xuất hàng loạt, giá có thể rẻ hơn. Hộ gia đình 5 người sử dụng nước ăn uống thì trung bình một năm phải thay cột hấp phụ một lần với chi phí khoảng 20.000 đồng.

Asen là chất kịch độc (còn có tên dân gian là thạch tín), nếu sử dụng nước ăn có nhiễm asen lâu dài sẽ có nguy cơ nhiễm độc. Những nghiên cứu gần đây cho thấy có nơi ở nước ta, lượng asen có trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới 50 lần.

Asen thu hồi triệt để có thể sử dụng vào mục đích khác hoặc đem chôn lấp an toàn.

Thiết bị lọc asen này đã được tổ chức UNICEF và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam chứng nhận nồng độ asen sau khi xử lý là 3ppb, dưới mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 ppb.

Nói về "nguồn gốc" ra đời của thiết bị lọc asen này, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, năm 1996, trong một lần tiến hành phân tích kim loại nặng trong nước ngầm, ông đã phát hiện asen trong nhiều mạch nước ngầm ở Hà Nội. Từ năm 2000, ông cùng các đồng nghiệp trong khoa bắt đầu nghiên cứu để tìm ra chất có khả năng hấp phụ asen. Và ông đã quyết định chọn đá ong sau một lần tình cờ phân tích nước ở chùa Trăm Gian, chùa Thầy, thấy nước chảy qua đá ong rất sạch, lượng asen thấp hơn mức quy định mặc dù vùng nước kế cận và ngay phía dưới nhiễm asen. Tuy nhiên, đá ong có phần sét bên trong nên sẽ làm đục nước. Vì vậy, phải tiến hành xử lý thiêu kết và hoạt hoá mới dùng để xử lý nước ăn được.
Bình lọc asen trong nước sinh hoạt. (Ảnh do tác giả cung cấp)Chất hấp phụ - đá ong sau khi đã được biến tính. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, bộ bình lọc có chứa thiết bị hấp phụ asen đã được nghiệm thu vào năm 2005. Thế nhưng, một thời gian dài, sáng chế khoa học này vẫn "nằm yên" trong phòng thí nghiệm hay vài lần được giới thiệu tại một số hội chợ khoa học trong nước và nước ngoài nhưng vẫn chưa đến tay người dân vì sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến và nhu cầu sử dụng cũng chưa cao.

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là có thể chuyển giao công nghệ hay liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm hàng loạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người dân", tiến sĩ Côn bộc bạch.

Yến Minh

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video