Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, hôm 22/2 Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước "Phục vụ CNH-HĐH Nông nghiệp-nông thôn" KC 07-25 do Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp với Công ty máy kéo - máy nông nghiệp thiết kế, chế tạo đã đưa vào đồng ruộng máy cấy lúa mi ni 6 hàng.
Máy cấy có tên là MC-6-250, có thể cấy loại mạ nền với 6 hàng cách đều nhau, các hàng cách nhau 25cm. Mỗi máy hoạt động có một hoặc hai người điều chỉnh mạ đi bên cạnh. Máy cấy trên chân ruộng xâm xấp nước.
Tiến sĩ Lê Sỹ Hùng-Chủ nhiệm đề tài KC07-25 cho biết: "Trên mỗi khóm mạ có thể điều chỉnh được các dảnh, khóm, độ nông sâu, giống như nguyên lí của máy Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ưu điểm của loại máy này là cấy thẳng hàng, năng suất có thể tăng từ 15-25% so với cấy tay".
Theo tính toán của các nhà thiết kế, máy cấy lúa MC-6-250 nếu cấy đủ 1ha , chỉ tiêu tốn khoảng 5 lít dầu. Thực tế khi sử dụng loại máy cấy mi ni này, người nông dân thấy hiệu quả rất rõ.
Theo ông Phạm Văn Yết, Phường Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Tây): "Máy rất dễ thao tác, 1 giờ cấy được 3 sào, 8 tiếng được 24 sào, bằng 24 lao động cấy tay. Tiết kiệm khoảng 650.000 đồng".
Kĩ Sư Bùi Quốc Việt, Giám đốc Công ty máy kéo và Máy nông nghiệp cho biết thêm : "Hiện nay giá thành khoảng 15 triệu đồng/chiếc. Công ty đang phấn đấu đưa xuống thấp hơn để có thể phục vụ bà con nông dân rộng rãi"...
Việc chế tạo và thử nghiệm thành công máy cấy mi ni 6 hàng của Chương trình khoa học KC 07-25 đã làm cho vấn đề dồn ruộng đổi thửa cấp thiết hơn, đồng thời cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, tổ chức sử dụng lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn hợp lí, khi máy móc đã và đang từng bước thay thế lao động thủ công truyền thống.