Máy cấy không động cơ của lão nông quê Ninh Bình có thể làm việc gấp 5 lần so với một người thợ cấy thành thạo.
Từ đống phế liệu bỏ đi, lão nông Vũ Văn Dung (54 tuổi, ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) đã chế tạo thành công máy cấy lúa không động cơ giúp nông dân giảm chi phí, bớt khó nhọc trên những cánh đồng quê.
Ông Dung vốn là thợ sửa xe máy. Không qua trường lớp nào nhưng hơn 20 làm nghề cho ông nhiều kiến thức thực tiễn về cơ. Nhà có 5 sào lúa, vì làm nghề sửa chữa xe máy chiếm hết thời gian nên ông không giúp được vợ công việc đồng áng. "Thấy vợ quanh năm vất vả, chân lấm tay bùn, nhất là vào mỗi vụ cấy nên tôi nung nấu ý tưởng chế tạo chiếc máy cấy lúa để giúp bà đỡ cực nhọc và giảm bớt chi phí gieo trồng", ông Dung chia sẻ.
Ông Dung bên "đứa con tinh thần" mà ông mất nhiều năm để sáng chế ra. (Ảnh: Phương Vy).
Ba năm trước, ông Dung bắt tay vào thực hiện ý tưởng. "Ban đầu, ai cũng cho rằng tôi không bình thường vì họ nghĩ, chỉ có những nhà khoa học mới sáng chế được máy móc hiện đại. Hơn nữa, chiếc máy cấy nào cũng cần đến động cơ, còn tôi thì đi theo hướng khác", ông nói và cho hay bỏ qua nhiều lời dèm pha ông vẫn quyết tâm thực hóa ý tưởng.
Mày mò nghiên cứu cả năm trời, ông Dung cũng chưa cho ra được chiếc máy như mong muốn. Cứ vẽ mô hình xong lại xóa bỏ vì không đúng với ý tưởng, ông phải làm lại. Cả cuốn vở học sinh ông vẽ chi chít những mô hình, bộ phận của chiếc máy cấy. Ông lao vào nghiên cứu các tài liệu trên mạng đến cả quên ăn, bỏ bê công việc đang làm. Có lúc thấy ông cứ ngẩn ngơ suy nghĩ lung tung, người vợ cho rằng ông bị lẩn thẩn thật. Nhiều đêm đang ngủ mà suy nghĩ được ý tưởng nào tâm đắc ông lại bật dậy ghi chép, vẽ lại để sáng mai dậy làm liền.
Hai năm kể từ ngày bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy cấy không động cơ, cuối cùng bản vẽ và các chi tiết của chiếc máy độc đáo này cũng ra đời. "Nghĩ ra bản vẽ mất thời gian lâu là thế, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy khó khăn hơn nhiều. Từ chọn vật liệu, đo đạc đến hàn ghép các chi tiết, tất cả phải được làm chuẩn thì máy mới hoạt động được", ông Dung nói thêm.
Suốt ngày, ông Dung mày mò đo vẽ, cắt hàn để hoàn thiện chiếc máy cấy theo hướng tinh xảo hơn. (Ảnh: Phương Vy).
Dù khó khăn người đàn ông 54 tuổi vẫn không chịu bỏ cuộc mà càng say mê. Cứ sai lại sửa, cho tới tháng 10/2015 "đứa con tinh thần" ra đời. Máy cấy không động cơ của ông Dung cấu tạo 3 phần gồm khay để mạ, tay kéo và khung gắp mạ. Khay mạ được làm bằng tôn chống gỉ, khung bằng thép U loại nhỏ, thiết kế nghiêng 45 độ để mạ có thể tự động chảy xuống khung gắp mạ. Khi tay kéo hoạt động đến đâu sẽ kéo khung gắp mạ đến đó. Cứ lần lượt 4 cây mạ một gắp sẽ được đưa vào đúng vị trí và khung dập sẽ làm nhiệm vụ như bàn tay người cắm mạ xuống đất.
"Hoàn chỉnh chiếc máy xong tôi thấy sung sướng vô cùng. Tôi đem ra thửa ruộng nhà mình cấy thử ngay. Năng suất cấy gấp 5 lần cấy tay vì mồi lần dập thì máy cấy được 4 cây mạ. Người điều khiển máy lại không mỏi tay và có thể điều chỉnh tốc độ nhanh chậm theo ý muốn", ông Dung kể. Thấy chiếc máy của ông làm hiệu quả, bà con quanh vùng đến xem ai cũng ngạc nhiên và đòi mua ngay cái đầu tiên ông xuất xưởng.
Ưu điểm của máy cấy không động cơ là không tốn nhiên liệu, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định là 18cm. Máy chỉ nặng 25- 30kg nên dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất với năng suất cấy được một sào cho mỗi giờ làm việc.
Sau khi chế tạo thành công chiếc máy cấy không động cơ, ông Dung đã làm thêm hàng trăm sản phẩm bán ra thị trường. Giá mỗi chiếc máy là 4 triệu đồng, trừ mọi chi phí ông được lãi khoảng 2 triệu đồng. Ban đầu máy của ông chỉ bán trong làng, rồi trong tỉnh nhưng hiện nay nhiều người ở các tỉnh khác đến đặt hàng. Có ngày ông bán ra cả chục chiếc máy cấy.
Ngoài máy cấy không động cơ, ông Dung còn chế tạo thêm nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ nông nghiệp như máy tiện, máy hàn, máy thái chuối... (Ảnh: Phương Vy).
Để đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng, ông Dung phải tạm nghỉ việc sửa xe máy để chuyên tâm vào sản xuất máy cấy không động cơ. Ông cũng đầu tư thêm nhiều loại máy móc như máy cắt, máy tiện, máy hàn... phục vụ sản xuất.
Hiện ngoài việc chế tạo thành công máy cấy lúa không động cơ, ông Dung còn sử dụng các động cơ xe máy cũ để chế tạo, làm ra nhiều loại máy móc khác như máy bơm nước, máy kéo, máy thái chuối...
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII (năm 2014-2015), ông Dung đã vinh dự nhận được hai giải khuyến khích cho sáng chế máy cày đa năng và máy cấy không động cơ của mình.