Tiến sĩ Nguyễn Hoài Châu và tập thể các nhà khoa học Viện Công nghệ môi trường, Viện Khoa học Công nghệ VN đã nghiên cứu thành công vật liệu lọc nano từ Axetat xenlulo và ứng dụng lọc nano trong quy trình xử lý nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Đề tài đã thiết kế chế tạo một thiết bị lọc nano công suất 100 lít nước/h, có khả năng xử lý các nguồn nước sinh hoạt, nước thải bị ô nhiễm asen có độ cứng cao hơn mức cho phép 4-5 lần và xử lý nước thải có COD lớn hơn 5000 mg/lít.
Vật liệu lọc nano là sản phẩm phù hợp với thời đại, mang tính đột phá trong khoa học ứng dụng. So với các màng vi lọc, siêu lọc và thẩm thấu ngược, màng lọc nano có khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng xử lý nước. Ưu điểm lớn nhất của lọc nano là công nghệ này không cần đưa thêm một loại hóa chất hay vi sinh nào vào nước nhưng vẫn lấy đi được những tạp chất.
Với những đặc tính ưu việt như áp suất hoạt động thấp, tốc độ lọc cao, khả năng bắt giữ chọn lọc các ion và hợp chất hữu cơ, chi phí vận hành và bảo dưỡng tương đối thấp, công nghệ lọc nano đang thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước thải, đặc biệt là nước có độ cứng, chất COD, asen, sunphat.
Từ nghiên cứu đến thử nghiệm đã chỉ ra rằng, công nghệ lọc nano thực sự là một giải pháp hữu hiệu để loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước, đặc biệt là xử lý các nguồn nước có độ cứng toàn phần và COD cao cũng như đối với nước có màu và nước nhiễm phèn chua mặn.