Chết não và cái chết của con người

Sự sống theo quan niệm thông thường là kết quả hoạt động của nhiều cơ quan, nội tạng trong cơ thể nhằm duy trì và phát triển mỗi cá thể. Hay nói cách khác sống tức là chống lại cái chết.

Trên phương diện luật pháp thì phần lớn các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận tư cách làm con người của công dân nước mình bắt đầu từ khi đứa bé được sinh ra và kết thúc bằng cái chết của con người đó. Y học coi những người tự tử và có ý định tự tử là những người có rối loạn về tâm thần dù chỉ trong khoảnh khắc.

Khi nào con người được coi là đã chết?

Mọi người đều có quyền được sống, điều này được hiến pháp của mỗi nước bảo vệ một cách tuyệt đối, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như người mẹ phải bỏ thai nhi vì sức khỏe của chính mình.

Định nghĩa và chẩn đoán chính xác cái chết của con người có ý nghĩa rất quan trọng. Để không phạm tội giết người dù chỉ là vô tình, việc an táng người chết và lấy cơ quan để ghép chỉ được phép thực hiện trên một người được coi là đã chết. Vấn đề tế nhị và rất phức tạp là phải xác định ở thời điểm nào thì một người được coi là đã chết và cái chết của con người được chẩn đoán bằng các phương pháp nào?

Cái chết của con người thường được định nghĩa đơn giản là sự ngừng vĩnh viễn các tín hiệu của cuộc sống. Cụ thể là tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Sự phát minh ra ống nghe vào thế kỷ 19, máy ghi điện tim vào thế kỷ 20, đã giúp cho việc khẳng định chính xác sự ngừng đập của tim.

Tuy nhiên, ngày nay với sự phát minh ra máy giúp thở, máy tạo nhịp tim thì những tín hiệu của cái chết như trước đây trở nên bấp bênh và các nhà y học lâm sàng cũng như bác sĩ pháp y đã đề nghị dựa trên mối quan hệ qua lại giữa các chức năng của hệ hô hấp, tim mạch và hệ thần kinh trung ương để xác định ranh giới của sự chết.

Chết là chết não?

Theo các tiêu chuẩn mới dựa trên các tiến bộ về y sinh thì một con người được coi là chết khi hoạt động của toàn bộ não bộ bị ngừng hoạt động không hồi phục. Trên thực tế lâm sàng thì hiện tượng chết não thường do hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là những chấn thương hay xuất huyết nặng của não bộ, nguyên nhân này ít gặp.

Trong khi đó nguyên nhân do sự ngừng đập của tim làm gián đoạn cung cấp máu cho não, dẫn đến thếu máu não trầm trọng và kết quả là chết não hoàn toàn là nguyên nhân hay gặp hơn cả, trong rất nhiều bệnh và nhiều trường hợp ngừng đập của tim.

Như vậy, sự phụ thuộc lẫn nhau của ba hệ thống hô hấp, tuần hoàn và thần kinh trung ương đã được xác nhận trong mọi hoàn cảnh chết thật sự của con người. Tiêu chuẩn về cái chết nói chung được thống nhất trên toàn thê giới theo tác giả Byrne là: “Không ai được tuyên bố là bệnh nhân đã chết cho đến khi có sự phá huỷ của ít nhất là ba hệ thống quan trọng trong cơ thể là não, tim mạch và hô hấp”.

Do đó, trong ngành y, ngoài việc mô tả chi tiết các dấu hiệu lâm sàng được coi là bắt buộc để có thể đi đến kết luận là bệnh nhân đã chết, còn có những qui định hết sức khắt khe khác như: như qui định thời hạn phải khám lại cho đến khi chẩn đoán về sự ra đi vĩnh viễn của bệnh nhân được xác định. Như tại Thụy Điển, một người chỉ được coi là đã chết sau khi hồi sức tích cực trong 30 phút hay hôn mê không hồi phục từ 6-48 giờ tuỳ theo nguyên nhân và tuổi tác. Tại Đức, bác sĩ chỉ được quyền xác nhận bệnh nhân đã chết sau khi các chức năng về thần kinh, tuần hoàn và hô hấp không hồi phục trên 3 giờ.

Khi bệnh nhân được thở máy hoặc gắn máy tạo nhịp tim để duy trì sự hoạt động của phổi và tim thìphải cần đến tiêu chuẩn chết não để chẩn đoán một cách chắc chắn là bệnh nhân đã tử vong. Việc chẩn đoán chết não rất đơn giản với sự trợ giúp của máy đo điện não, khi không thấy sự xuất hiện của các sóng đặc trưng cho hoạt động của não bộ là sóng alpha, béta hay delta mà chỉ là một đường đẳng điện trong suốt quá trình đo.

Từ sự sống chuyển sang cái chết là một quá trình động và không phải chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, nhất là trong điều kiện sự phát triển vượt bậc của Y học như ngày nay. Bệnh nhân luôn được sự trợ giúp của rất nhiều loại thuốc men và máy móc hỗ trợ. Do đó rất khó quả quyết rằng lúc nào sự sống chấm dứt và bệnh nhân bắt đầu chết?

Về phương diện pháp luật, chỉ có một cái chết và phải như nhau cho mọi người, mọi trường hợp. Ngược lại các thủ tục để xác nhận bệnh nhân đã chết có thể thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh, nhất là theo quyết định của gia đình và giới y khoa xem có lấy cơ quan nội tạng của nạn nhân để ghép cho người khác hay không?

Não có vai trò rất quan trọng trong duy trì sự thống nhất của hệ thần kinh và mô não là mô nhậy cảm nhất khi bị thiếu oxy. Trong thực tế, chỉ cần thiếu oxy khoảng 5 phút là mô não bị chết vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Do đó cho dù bệnh nhân có chết vì ngừng thở hay ngừng tim trước đó cũng kéo theo sự chết của các tế bào não. Trong một số trường hợp thì dù não đã chết. nhưng tim và phổi vẫn hoạt động, vẫn cung cấp máu cho các cơ quan như: thận, gan, giác mạc... thì việc sử dụng những cơ quan này để ghép theo kinh điển là rất tốt.

Nói chung, tiêu chuẩn chết não trong việc xác nhận sự chết của một người là kết quả tất yếu của sự phát triển về khoa học kỹ thuật, chính xác hơn là một tiến bộ trong chẩn đoán về cái chết, chứ không phải là một định nghĩa mới về cái chết. Nói cách khác, chết não không phải là một cái chết khác.

Có hai nguyên nhân đưa đến cái chết

Trong hai nguyên nhân dẫn đến cái chết thì số trường hợp chết não trước là rất thấp so với số người chết vì ngừng tim trước. Theo số liệu của các trung tâm cấp cứu tại Mỹ thì có tới 92% bệnh nhân bị chết do ngừng tim trước và chỉ có 8% bệnh nhân chết do các tổn thương ở não.

Việc xác định chết não trước hiện nay ở nhiều quốc gia đang phát triển như VN, chủ yếu là để thầy thuốc và gia đình bệnh nhân biết khi nào thì có quyền ngừng các phương pháp điều trị hỗ trợ và thuốc men. Trong thực tế, do chưa có luật về ghép tạng nên không có hoặc chỉ có một số rất ít trường hợp là có liên quan đến việc lấy cơ quan nội tạng để ghép. Việc lấy tạng, cơ quan khi não đã chết mà tim còn đập là tốt nhất cho phẫu thuật ghép cơ quan.

Các trường hợp chết tim trước, cho đến ngày nay rất ít thích hợp cho việc ghép tạng. Vì sức sống của các cơ quan nội tạng, nhất là các cơ quan nhậy cảm với sự thiếu Oxygen như thận, giác mạc... sẽ mất đi nhanh chóng khi không còn được tưới máu nữa.

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM

Cập nhật: 22/03/2017 Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video