Chiếc áo 5.000 năm tuổi tìm thấy trong một hầm mộ Ai Cập có đường khâu và nếp gấp đẹp mắt, hé lộ sự tinh xảo và thịnh vượng của xã hội cổ đại.
National Geographic hôm 18/2 đưa tin, chiếc áo mang tên Tarkhan, ra đời vào khoảng năm 3482 trước Công nguyên, là một phát hiện phi thường. Rất ít trang phục từ thuở sơ khai có thể tránh khỏi sự phân hủy do làm từ chất liệu sợi cây hoặc da động vật.
Vải dệt tìm thấy ở những khu vực khảo cổ thường có niên đại không quá 2.000 năm, theo Alice Stevenson, người quản lý ở Bảo tàng Khảo cổ Ai Cập Petrie tại Đại học London, Anh, tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Antiquity.
Chiếc áo 5.000 năm tuổi có nhiều chi tiết giống trang phục hiện đại. (Ảnh: Bảo tàng Khảo cổ Ai Cập Petrie).
Một số ít đồ bằng vải có niên đại gần với áo Tarkhan vẫn tồn tại đến ngày nay, nhưng chúng chỉ được quấn hoặc bọc đơn giản bên ngoài xác. Trái lại, áo Tarkhan là một món đồ cao cấp thực sự. Với tay áo cắt may, cổ hình chữ V, nếp gấp nhỏ trước ngực, chiếc áo có thể được trưng bày ở một cửa hàng bách hóa hiện đại nếu còn nguyên vẹn.
Những chi tiết tinh tế trên nhiều khả năng là sản phẩm của một nghệ nhân chuyên nghiệp, sinh sống trong một xã hội phồn vinh và phân cấp, như Ai Cập cổ đại cách đây 5.000 năm, khi vương quốc lần đầu tiên thống nhất dưới người cai trị duy nhất. Các nếp nhăn ở khuỷu tay và nách cũng cho thấy chiếc áo đã qua sử dụng và không phải là vật tế lễ.
Sau khi trải qua 5 thiên niên kỷ trong hầm mộ Ai Cập, chiếc áo được đưa tới bảo tàng Petrie vào đầu những năm 1900 và lẫn trong đống vải rách. Khi các chuyên gia bảo tồn phân loại đống vải năm 1977, họ mới chú ý đến nó.
Theo nhà nghiên cứu Jana Jones ở Đại học Macquarie, Australia, chỉ tầng lớp thượng lưu mới có thể sở hữu chiếc áo. Chữ tượng hình để chỉ chiếc áo cũng nằm trong danh sách những đồ mang sang thế giới bên kia của người Ai Cập cổ đại, cùng với thức ăn và đồ trang điểm.
"Tôi rất vui khi biết áo Tarkhan được xác định niên đại và các nhà khoa học đã đưa nó về đúng vị trí như trang phục bằng vải lâu đời nhất", Jones chia sẻ.