Chiến tranh các vì sao là tên một bộ phim khoa học viễn tưởng nhiều tập nổi tiếng của Mỹ. Cái tên này đã được gán cho chương trình “Chủ động phòng thủ chiến lược” của Tổng thống Ronald Reagan trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Dưới thời Tổng thống Bush, nó được thay thế bằng chương trình “Phòng thủ tên lửa quốc gia”, còn được gọi là “con của chiến tranh các vì sao”.
Giữa “chiến tranh các vì sao” cha và con có mẫu số chung: Nước Mỹ gây thù chuốc oán nhiều nên rất sợ bị tấn công bất ngờ. Thời chiến tranh lạnh, nước có thể đe dọa hủy diệt nước Mỹ không ai khác hơn là Liên Xô, một siêu cường quốc có sức mạnh quân sự và chính trị ngang ngửa với Mỹ thời bấy giờ.
Như phim khoa học viễn tưởng
Mô hình “mìn không gian” đánh chặn tên lửa đối phương trong kế hoạch SDI |
SDI ra đời trong bối cảnh hai cường quốc Mỹ và Liên Xô trích phần lớn GDP (tổng sản phẩm trong nước) của mình để triển khai công nghệ quân sự, đặc biệt là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên mặt đất (ICBM). Sự lợi hại của loại vũ khí này nằm ở chỗ nó nhanh đến nỗi thời gian bay chỉ tính bằng phút chứ không phải từng giờ. Thường thường nó được phóng từ các bệ phóng di động trên không, trên biển hoặc trên bộ.
Một trong những ý tưởng của SDI gây ấn tượng nhất là dùng năng lượng tia laser hủy diệt mọi tên lửa hạt nhân của Liên Xô từ trên không. Ý tưởng này khiến người ta nhớ đến các loại vũ khí thuộc loại khoa học viễn tưởng trong phim Chiến tranh các vì sao. Bởi vậy có nhiều người Mỹ gán cho SDI cái tên "Chiến tranh các vì sao" một cách mỉa mai vì vào thời đó những nghiên cứu chế tạo các loại siêu vũ khí đang ở giai đoạn chập chững và hết sức tốn kém. Một trong những người đó là tiến sĩ Carol Rosin, nguyên cố vấn và người phát ngôn của nhà bác học Werner von Brawn.
SDI còn bị gán cho biệt danh “Chiến tranh các vì sao” bởi vì trong bài diễn văn hô hào dân chúng Mỹ ủng hộ chương trình SDI vào ngày 3-8-1983 tại bang Florida, Tổng thống Reagan gọi Liên Xô là “đế quốc xấu xa” một cụm từ quen thuộc trong phim Chiến tranh các vì sao. Một lý do khác khá lý thú là người ta muốn chọc quê ông Reagan vốn từng hành nghề diễn viên điện ảnh.
Chương trình SDI, ngay từ khi mới ra đời, bị nhiều nhà khoa học có tên tuổi cho rằng bất khả thi. Nhà vật lý Hans Bethe, người từng tham gia chế tạo bom hạt nhân và bom khinh khí Mỹ, khẳng định rằng lá chắn phòng thủ bằng tia laser là “không thể thực hiện được”. Hệ thống phòng thủ này, theo ông, quá tốn kém, khó thực hiện nhưng dễ dàng bị phá hủy. Liên Xô chỉ cần dùng hàng ngàn vật nghi trang làm rối loạn toàn hệ thống trong một cuộc tấn công hạt nhân. Và điều này nằm trong tầm tay của Liên Xô. Theo ông, cách duy nhất chặn đứng nguy cơ chiến tranh hạt nhân là thông qua đàm phán ngoại giao. Nhà thiên văn học Carl Sagan, cũng nhận định rằng muốn trị SDI, Liên Xô chỉ cần chế tạo thật nhiều tên lửa thì lá chắn “Chiến tranh các vì sao” sẽ bị thủng.
Đứa con gây tranh cãi
Một tên lửa đánh chặn tên lửa ICBM đối phương trong chương trình NMD (Ảnh: ND) |
NMD phát triển và triển khai một lá chắn bảo vệ nước Mỹ có khả năng phát hiện, theo dõi và hủy diệt các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của địch. Tên lửa của địch sẽ bị ngăn chặn bằng tên lửa hoặc bằng vũ khí laser lúc xuất phát, đang bay trong không gian hoặc lúc cắm đầu xuống mục tiêu.
Về nguyên lý, NMD giống SDI. Nó đánh chặn tên lửa địch từ mặt đất, mặt biển và trên không gian, chỉ khác ở độ phức tạp và quy mô. Nó chỉ có thể ngăn chặn một cuộc tấn công nhỏ bằng tên lửa ICBM của một địch thủ có chương trình tên lửa có giới hạn, không có trình độ ngang cơ như Liên Xô ngày xưa. Chẳng hạn như Iran. Cách đây vài tháng thôi, CHDCND Triều Tiên cũng bị Mỹ coi là một mối đe dọa đáng sợ. Tuy nhiên, tình hình nay đã thay đổi. CHDCND Triều Tiên đã đồng ý ngưng chương trình hạt nhân của mình. Bởi vậy, NMD còn có biệt danh là “con của chiến tranh các vì sao”.
Đạo luật NMD năm 1999 viết: “(NMD) là chính sách của Hoa Kỳ triển khai càng sớm càng tốt trong khả năng kỹ thuật một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hữu hiệu có thể bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại một cuộc tấn công có giới hạn bằng tên lửa ( tình cờ, vô ý hay hữu ý)...”.
Dưới chính quyền Tổng thống Bush, NMD không chỉ triển khai trên lãnh thổ Mỹ. Ông Bush còn muốn mở rộng chương trình NMD của Mỹ thành một NMD quốc tế, một lá chắn đa quốc gia. Thậm chí Mỹ còn mời Nga tham gia chương trình này với lập luận rằng Nga cũng có nguy cơ bị một nước có vũ khí hạt nhân khác tấn công.
Tuy nhiên, quy mô NMD càng lớn thì những thách thức về mặt kỹ thuật càng lớn. Ngay với quy mô nhỏ, hệ thống chống tên lửa bằng tên lửa của Mỹ cũng chưa phải là hoàn thiện. Nhiều cuộc thử nghiệm gặp thất bại hoặc bị trì hoãn.
Cho dù là như thế, Nga vẫn phản đối chương trình NMD khi Mỹ định triển khai nó tại Ba Lan và Cộng hòa Czech. Mỹ bảo nó chỉ nhằm đối phó với Iran nhưng người Nga bảo nó nhằm đe dọa Nga. Ngay một số nhà khoa học Mỹ cũng xác nhận điều này.
NGUYỄN CAO