Mối đe dọa hạt nhân trên Trái đất vẫn chưa biến mất mà còn hiện diện nhiều hơn trước. Trong trường hợp nó xảy ra, hậu quả có thể khiến thế giới bước vào một kỷ nguyên băng hà trong hàng nghìn năm.
Một nghiên cứu mới đây tiết lộ, cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nổ ra sẽ gây hậu quả nặng nề đối với con người và các cơ sở hạ tầng trên Trái đất tạo ra một "mùa đông hạt nhân" kéo dài hàng nghìn năm so với hàng trăm năm như các nghiên cứu trước đây công bố.
Bức xạ hạt nhân, nhiệt độ cực cao từ vụ nổ cũng sẽ khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi các chất phóng xạ, gây ra một mùa đông hạt nhân. (Ảnh minh họa: Science et Vie).
Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh hạt nhân
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra khốc liệt, những cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân đã len lỏi nỗi sợ đối với chúng ta về một thảm họa hủy diệt có thể xảy ra.
Ảnh hưởng hỏa lực từ những vụ nổ hạt nhân sẽ rất khủng khiếp đối với các cơ sở hạ tầng và dân số trên toàn thế giới. Nhiệt độ, sóng xung kích sẽ tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó, khiến hàng nghìn hoặc hàng triệu người chết tùy thuộc vào sức mạnh của "cỗ máy" được sử dụng.
Bức xạ hạt nhân cũng sẽ len lỏi vào cơ thể con người, tàn phá các tế bào, gây đột biến gen của những người sống sót, khiến họ chết dần trong đau đớn.
Đáng chú ý, một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ tạo một mùa đông hạt nhân có thể kéo dài từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm.
Năm 1983, các nhà nghiên cứu Mỹ và Nga đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh, khói lửa và bụi do chiến tranh hạt nhân sẽ tạo ra một mùa đông hạt nhân.
Điều này có nghĩa là ánh sáng Mặt trời sẽ bị chặn trong nhiều năm gây ra sự lạnh đi toàn cầu, ảnh hưởng lâu dài đối với hệ thống khí hậu Trái đất gây thảm họa đối với nền nông nghiệp, hệ sinh thái trên Trái đất và con người.
Nỗi sợ "mùa đông hạt nhân" đã bảo vệ thế giới như thế nào?
Nỗi sợ hãi về mùa đông hạt nhân đã giúp thế giới chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vào những năm 1980.
Ngày 8/12/1987, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (1931-2022) và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (1911-2004) đã thực hiện những bước đầu tiên trong lịch sử để giảm số lượng vũ khí hạt nhân bằng việc ký Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Ông Mikhail Gorbachev (trái) và ông Ronald Reagan ký Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987. (Ảnh: The White House).
Hiệp ước nhằm mục đích tháo dỡ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mang đạn hạt nhân hoặc đạn thông thường, đây là những vũ khí có khả năng di chuyển từ 500 đến 5.500km.
Chúng ta nên biết rằng, thời điểm đỉnh cao của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vào giữa những năm 1980, trên thế giới có hơn 65.000 vũ khí loại này tồn tại. Ngày nay con số trên đã giảm xuống còn khoảng 12.000.
Năm 1982, hai nhà khí hậu học Paul Crutzen (1933-2021) và John Birks đã viết một bài báo giải thích, một mùa đông hạt nhân gây ra từ những cuộc chiến sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 10⁰C trong một thập kỷ.
Nhiệt độ thấp như vậy kết hợp với sự giảm ánh sáng Mặt trời sẽ chặn một phần quá trình quang hợp của cây xanh gây ra những hậu quả tai hại trong lĩnh vực sản xuất lương thực toàn cầu.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao, hiện đại dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo để xây dựng những mô hình khí hậu phức tạp hơn nhiều so với những năm 1980, chúng cho thấy rõ hậu quả của chiến tranh hạt nhân đối với thế giới.
Chắc chắn, ngày nay có ít vũ khí hạt nhân hơn trên hành tinh này. Tuy nhiên, hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là trên quy mô toàn cầu có thể đã bị đánh giá thấp.
Một "kỷ băng hà hạt nhân nhỏ" trong hàng ngàn năm
Các nhà nghiên cứu mới đây đã thiết lập các mô hình khí hậu trong trường hợp cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra và một mô hình liên quan đến việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Kết quả nghiên cứu bi quan hơn nhiều so với những gì đã được nói vào những năm 1980.
Mô hình nghiên cứu cuộc xung đột hạt nhân có thể xảy ra giữa hai cường quốc nguyên tử lớn giữa Hoa Kỳ và Nga cho thấy, nước ở đại dương có thể giảm nhiệt độ cực kỳ sâu. Điều này khiến thế giới bước vào một "kỷ băng hà nhỏ" kéo dài hàng nghìn năm.
Hai siêu cường này sở hữu gần 90% lượng vũ khí hạt nhân của thế giới, Nga có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân và Hoa Kỳ là 5.244, ngoài ra còn có bảy quốc gia hạt nhân khác bao gồm Pháp, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Pakistan và Israel.
Bên cạnh đó, nhóm các nhà nghiên cứu đã tính toán hậu quả nếu cuộc xung đột hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ nổ ra.
Một cuộc xung đột hạt nhân nhỏ như vậy cũng có thể giết chết tới 130 triệu người. Ngoài ra, nó sẽ dẫn đến nạn đói trong ít nhất hai năm, ảnh hưởng đến 2,5 tỷ người.
Theo nghiên cứu, rủi ro từ một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật giữa hai nước này sẽ trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Điều này dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn, khoảng 360 triệu người trên toàn thế giới sẽ thiệt mạng và hơn 5 tỷ người chết đói.
Nhóm nhà khoa học hy vọng, các nguyên thủ trên thế giới cần nhận thức rằng, những hậu quả thảm khốc này có thể được kích hoạt chỉ bởi một đám cháy hạt nhân duy nhất.
Điều này có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo cùng nhau làm việc để loại bỏ hoàn toàn thứ vũ khí hủy diệt này khi ngày nay mối đe dọa hạt nhân vẫn chưa biến mất và có lẽ nó còn hiện diện nhiều hơn trước.