Có gì ở "sa mạc" giữa Thái Bình Dương?

Khó có thể tưởng tượng rằng một vùng biển rộng lớn như vậy lại gần như không có sự sống.

Nằm giữa vùng biển phía nam Thái Bình Dương là điểm xa đất liền nhất trên Trái đất, và cũng là vùng biển lạ lùng nhất với tên gọi Point Nemo, nghĩa là vùng không người trong tiếng Latin.


Point Nemo, nghĩa địa của tàu vũ trụ trên Trái đất. (Ảnh: Flickr).

Với khoảng cách tới đất liền gần nhất là 2.250km, Vòng hải lưu nam Thái Bình Dương được coi như "cực của đại dương" và không khác gì một vùng sa mạc giữa biển.

Nghĩa địa của tàu vũ trụ

Cũng có thể ví von nơi này bằng một hình ảnh khác: nghĩa địa của tàu vũ trụ. Với những vệ tinh hay tên lửa muốn trở lại Trái đất, Point Nemo sẽ là nơi an toàn nhất bởi nguy cơ va chạm những công trình của con người bằng không.

Những người "sống" gần khu vực này nhất chính là các nhà khoa học trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Khi bay qua Point Nemo, khoảng cách từ ISS tới Trái đất là 360 km, gần hơn nhiều so với bất kỳ hòn đảo nào trên bề mặt hành tinh.


Vị trí của Point Nemo trên bản đồ Thái Bình Dương. (Ảnh: Wikimedia).

"Đây là nơi rất tuyệt, bởi bạn có thể ném mọi thứ xuống mà không lo xảy ra va chạm gì", Bill Ailor, chuyên gia về quá trình tên lửa trở lại Trái đất nói với Business Insider.

Tất nhiên, không phải mọi loại "rác vũ trụ" đều quay trở lại vùng biển nam Thái Bình Dương. Với những vệ tinh nhỏ, ma sát từ khí quyển Trái đất khi quay lại là đủ để chúng bốc hơi không còn dấu vết. Do vậy, lượng rác vũ trụ trôi dạt ở đây chủ yếu là từ các tên lửa, vệ tinh lớn hoặc các trạm vũ trụ.

Trong vòng 45 năm, từ năm 1971-2016, các cơ quan vũ trụ trên thế giới đã đưa 260 mảnh rác vũ trụ hạ cánh về khu vực này. Với những vật thể lớn như trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc, trở lại Trái đất năm 2018, các mảnh vỡ có thể trải dài trong vùng biển dài tới 1.600 km.

"Sa mạc giữa đại dương" còn gì khác?

Ngoài rác vũ trụ, có thể tìm thấy gì ở vùng "sa mạc" này? Không có nhiều thứ khác. Kể cả hệ sinh vật biển tại đây cũng rất kém đa dạng vì nhiều nguyên nhân.

Khoảng cách quá lớn tới những vùng đất xung quanh, các dòng chảy đại dương khiến vùng biển trung tâm bị cô lập, và mức tia cực tím quá cao là những lý do biến vùng biển này thành một hoang mạc giữa đại dương.

Diện tích quá lớn của khu vực cũng là rào cản cho những nhà nghiên cứu hải dương học. Với diện tích 37 triệu km vuông, vùng hải lưu này chiếm tới 10% diện tích đại dương, và rất khó để tìm hiểu những đặc điểm sinh học ở cả một vùng biển rộng lớn như vậy.


Vùng biển rộng lớn ở Nam Thái Bình Dương được ví như một hoang mạc vì có rất ít sinh vật tồn tại nơi đây. (Ảnh: MPI Marine Microbiology).

Cuối năm 2015, nhóm nghiên cứu thuộc Viện hải dương học của Học viện Max Planck, Đức đã thực hiện chuyến đi kéo dài 7.000 km từ Chile tới New Zealand để tìm hiểu vùng biển này.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy rằng lượng tế bào ở mặt biển Nam Thái Bình Dương thấp hơn khoảng 1/3 so với vòng hải lưu Đại Tây Dương. Có lẽ đây là vùng đại dương có lượng tế bào trên mặt biển thấp nhất", nhà vi sinh vật đại dương Bernhard Fuchs chia sẻ về nghiên cứu của nhóm.

Trong số các loại vi khuẩn mà nhóm thu nhận được, vi khuẩn AEGEAN-169 chiếm số lượng lớn và ở mặt nước rất nông, trong khi loại vi khuẩn này thường được tìm thấy ở độ sâu khoảng 500 m tại các vùng đại dương khác.


Dù là điểm xa đất liền nhất trên đại dương và được đánh giá là rất sạch, khu vực này giờ đây cũng có nhiều rác thải nhựa của con người. (Ảnh: National Geographic).

"Đây có thể là sự tiến hoá để thích nghi với số lượng sinh vật quá ít và bức xạ cao tại bề mặt khu vực này", nhà vi sinh vật Greta Reintjes nhận xét.

Nhìn chung, khu vực vòng hải lưu Nam Thái Bình Dương thực sự là một "hoang mạc" giữa đại dương, bởi có quá ít sinh vật có thể sống ở đây. Chính những vi khuẩn cũng phải tiến hoá để thích nghi với môi trường này.

Bù lại, với rất ít dấu vết của con người, trừ những mảnh rác trở về từ vũ trụ, đây được coi như vùng biển sạch nhất trên Trái đất.

Cập nhật: 21/07/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video