Chim có thể bay tối đa bao lâu mà không cần hạ cánh?

Chim yến thông thường (Apus apus) giữ kỷ lục bay lâu nhất với khả năng bay 10 tháng liên tục trên không trung.

Di chuyển gần một ngày bằng máy bay đã là chuyến bay đường dài mệt mỏi với con người, nhưng chừng đó chưa là gì so với khả năng của chim yến thông thường (Apus apus). Nhiều người sẽ bắt đầu khó chịu chỉ sau vài giờ bay, dù chỉ cần ngồi yên. Tuy nhiên, chim yến có thể dang cánh suốt 10 tháng để bay liên tục trên không.


Chim yến thông thường có khả năng bay liên tục 10 tháng. (Ảnh: Dilomski).

Từ những năm 1970, nhà điểu học xứ Wales Ronald Lockley đã nêu ý kiến rằng chim yến thông thường có thể lập kỷ lục về thời gian bay. Nhưng phải đến hàng chục năm sau, nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển, mới có thể xác nhận điều này. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Current Biology năm 2016.

Nhóm nhà khoa học theo dõi 13 con chim yến trưởng thành, gắn cho chúng những chiếc máy ghi dữ liệu tí hon. Thiết bị này chứa gia tốc kế nhằm ghi lại hoạt động bay và cảm biến ánh sáng để định vị chim. Một số con chim được theo dõi suốt nhiều năm khi chúng di cư từ Thụy Điển đến phía nam sa mạc Sahara vào mùa đông rồi quay trở lại.

Kết quả cho thấy, chim yến thông thường dành phần lớn thời gian ở trên không. Những con chim được theo dõi chỉ ở lại đất liền hai tháng trong năm, ổn định để sinh sản. Dù một số đôi lúc hạ cánh một chút trong 10 tháng còn lại, thời gian bay của chúng vẫn chiếm tới hơn 99,5%. Ba con chim yến đã ở trên không trong toàn bộ 10 tháng di cư, một thành tích ấn tượng nếu cân nhắc đến kích thước nhỏ bé của chúng, mỗi con chỉ nặng khoảng 40 gram.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khác biệt giữa những con chim yến bay đường dài và những con hạ cánh có thể nằm ở bộ lông. Chim hạ cánh không thay lông cánh, trong khi những con bay liên tục đã rụng lông và mọc lông bay mới (loại lông dài, cứng ở cánh và đuôi giúp chim bay lượn).

"Việc có hay không thay lông cho thấy những khác biệt nhỏ về tình trạng tổng thể hoặc vấn đề ký sinh trùng, đồng thời lý giải hành vi bay của từng cá thể trong loài", tác giả nghiên cứu Anders Hedenström giải thích.

Nhà nghiên cứu Anders Hedenström gọi những chiếc máy ghi dữ liệu này là "ba lô nhỏ". (Ảnh: A. Hedenström)

Làm thế nào chim yến có thể ở trên không trung lâu như vậy? Hoạt động thể chất tiêu tốn năng lượng, nhưng loài vật này đã thích nghi để sử dụng tương đối ít năng lượng trong các chuyến bay dài.

"Chim yến thông thường đã tiến hóa để trở thành những kẻ bay rất hiệu quả, với hình dạng cơ thể thuôn gọn và đôi cánh dài, hẹp, tạo ra lực nâng mà không tốn nhiều công sức", Hedenström giải thích. Điều này giúp chim yến tiêu tốn ít năng lượng hơn. Ngoài ra, chúng có thể bổ sung nhanh năng lượng nhờ ăn côn trùng đang bay.

Với con người, ngoài đồ ăn nhẹ trên chuyến bay, ngủ cũng là một cách để nạp lại năng lượng. Nhưng các nhà khoa học chưa rõ chính xác chim yến có làm điều tương tự hay không. "Chúng có thể làm như chim cốc biển và ngủ trong khi chao liệng. Hàng ngày, lúc hoàng hôn và bình minh, chim yến bay lên độ cao khoảng 2 - 3km. Có lẽ chúng ngủ trong khi liệng xuống, nhưng chúng tôi không chắc chắn", Hedenström cho biết.

Cập nhật: 01/04/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video