navigation

Chim điên Tasman chưa hề tuyệt chủng

Ngụy trang và sử dụng biệt danh tưởng như chỉ có trong phim tình báo. Nhưng không, mới đây các nhà khoa học kiêm vai trò thám tử đã phát hiện chim điên Tasman tưởng đã tuyệt chủng hóa ra vẫn còn tồn tại - dưới một cái tên khác, mang một vẻ ngoài khác.

Chim điên Tasman đã trải qua một thời kì khó khăn kể từ khi con người biết rằng loài này rất dễ bắt và có thịt thơm ngon.

Cư trú trên các đảo nhỏ quanh rìa quần đảo Australia và New Zealand, loài chim này đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lần đầu vào năm 1200 sau Công Nguyên, khi những người Pô-li-nê-di sinh sống trên đảo Norfolk bắt đầu săn bắt chúng.

Nhưng chim điên Tasman đã cầm cự được và trở thành một quần thể nhỏ trên đảo Lord Howe trong 500 năm tiếp theo.

Nhưng rồi tai họa lại đến, khi những thủy thủ châu Âu gặp đói – họ tiếp tục tiêu diệt những con chim điên cuối cùng trên Trái đất, biến loài này thành tuyệt chủng. Cho tới tận ngày nay …

Chim điên hiện tại thực sự là ai?

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã nghi ngờ rằng chim điên Tasman đã tuyệt chủng và loài chim điên hiện đang sống ở vùng bắc Biển Tasman có quan hệ gần gũi với nhau. Những con đực và cái của loài này có hình dáng cơ thể tương tự như con đực, cái ở loài chim điên đã tuyệt chủng và có cánh dài rất đặc trưng.

Nhưng chỉ khi nhóm khoa học gồm các nhà tự nhiên học, cổ sinh vật học, và di truyền học cùng bắt tay nhau thì nghi ngờ trên mới chính thức được kiểm tra.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh xương và DNA giữa chim điên hiện tại và chim điên tuyệt chủng.

(Ảnh: Paul Nicklen/NGS)

Xét về cấu tạo cơ thể, xương hóa thạch giống một cách đáng ngạc nhiên xương chim điên hiện tại. Quan trọng hơn, DNA của hai “loài” cũng hoàn toàn giống nhau.

Nghiên cứu cho thấy, chim điên Tasman chưa từng tuyệt chủng như người ta vẫn nghĩ.

Thực tế, loài chim này đã bị gán cho một tên mới: chim điên “giả mạo”.

Theo Tammy Steeves, giảng viên trường đại học Canterbury,New Zealand, loài này có thêm một tên nữa như vậy là vì “nhiều thế kỉ qua các nhà sinh học và cổ sinh vật học không chịu cùng bắt tay với nhau khi nghiên cứu chim điên.”

Các chuyên gia hóa thạch từng vô tình so sánh xương hóa thạch con mái loài chim điên Tasman với xương con trống chim điên hiện tại. Khi đó, do không biết rằng chim điên mái bao giờ cũng có kích thước lớn hơn con trống một chút nên các nhà cổ sinh vật học cho rằng họ đang so sánh xương của hai loài khác nhau.

Niềm vui hiếm thấy

Trước nghiên cứu này, Steeves tưởng rằng chim điên hiện tại là một loài anh em trên cây tiến hóa của chim điên Tasman.

“Bạn có thể tưởng tượng tôi đã ngạc nhiên tới mức nào khi phát hiện ra rằng chúng thực ra giống hệt nhau. Thật là một niềm vui sướng hiếm thấy khi phát hiện ra kết quả rõ ràng đến vậy.”

“Trước đây cũng có nhiều trường hợp giới khoa học “tái phát hiện” các loài chim tuyệt chủng qua nghiên cứu kĩ lưỡng tại hiện trường. Nhưng trường hợp này không giống vậy,” Steeve nói,

“Chúng tôi là những người đầu tiên “tái phát hiện” một loài chim chỉ qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.”

Kết quả nghiên cứu đã được công bố chi tiết trên tờ Biology Letters số ra ngày 8/8.

G2V Star (Theo National Geographic)