Nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch, đồng thời bảo tồn hệ sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), mới đây Chính phủ đã nhất trí về việc mở rộng quy mô và diện tích của Vườn quốc gia Bạch Mã về phía huyện Nam Đông và tỉnh Quảng Nam.
Loài Voọc ngũ sắc sống ở Bạch Mã |
Chính phủ cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, đồng thời chỉ đạo Vườn quốc gia Bạch Mã xây dựng dự án đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Bạch Mã, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Việc xây dựng Dự án đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Bạch Mã phải thực hiện trên cơ sở kế thừa, lồng ghép những chương trình, dự án đã và đang được đầu tư thực hiện trong Vườn quốc gia Bạch Mã, nhằm tiết kiệm và phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, phát triển Vườn.
Việc mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn vùng lõi và vùng đệm ở đây được tốt hơn, đồng thời tiến hành phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Vườn quốc gia Bạch Mã có tới 10.000 ha rừng thuộc loại rừng nhiệt đới gió mùa và rừng á nhiệt đới gió mùa, với nhiều cây gỗ quý như chò chỉ, kiền, giẻ hương, cẩm lai, trắc và trầm hương. Khu rừng có tới hơn 1.400 loài cây, trong đó có 86 loài nằm trong Sách đỏ VN, có ít nhất 3 loài đặc hữu mang tên Bạch Mã.
Hệ động vật nơi đây cũng rất phong phú với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu. Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy tại Bạch Mã có 931 loài động vật. Trong số đó, có tới 68 loài được đưa vào Sách đỏ VN và thế giới như trĩ sao, gà lôi lam tía, gà lôi lam trắng, voọc ngũ sắc, vượn đen má trắng. Đặc biệt, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều loài thú mới như: sao la, mang Trường Sơn và mang lớn.