Những nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins đã phát hiện ra rằng những trò chơi đơn giản liên quan đến các con số có thể tăng cường khả năng học toán của trẻ mẫu giáo.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu từ đại học Johns Hopkins thấy rằng giác quan này có thể được điều chỉnh để cải thiện việc học toán của trẻ em. Những nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm với 40 trẻ trong độ tuổi lên 5.
Trong một trò chơi trên máy tính kéo dài 5 phút, họ đã cho các chấm màu xanh và vàng xuất hiện trên màn hình trong một khoảng thời gian ngắn và yêu cầu những đứa trẻ chọn ra màu sắc có số lượng nhiều hơn. Nhưng sự xuất hiện của các chấm màu sẽ nhanh đến mức bọn trẻ sẽ không kịp thời gian để đếm là có tổng cộng bao nhiêu. Sau mỗi câu trả lời, sẽ có một giọng nói thông báo: "Đúng rồi" khi trẻ chọn đúng hoặc "Ồ, rất tiếc, đây không phải đáp án đúng" khi trẻ chọn sai.
Độ khó của trò chơi được các nhà nghiên cứu điều chỉnh cho từng bé khác nhau. Ví dụ một vài trẻ bắt đầu với các lựa chọn dễ, sau đó độ khó sẽ được nâng lên, trong khi những trẻ khác ngay từ đầu đã được tiếp xúc với các phiên bản trò chơi khó hơn. Còn nhóm thứ ba thì được thử trò chơi với các mức khó và dễ trộn lẫn với nhau.
Những trò chơi đơn giản liên quan đến trực giác về các con số có thể tăng cường khả năng học toán. (Ảnh: Alamy).
Theo nghiên cứu thì việc phải ra quyết định chỉ trong một vài giây như vậy sẽ giúp trẻ đạt được số điểm cao hơn trong bài kiểm tra toán.
Các nhà nghiên cứu giải thích, loài người và động vật vốn dĩ đã có sẵn trong người óc trực giác về các con số và thậm chí ngay cả trẻ sơ sinh đã có khả năng ấy. Ví dụ như khi thấy hai đĩa bánh được bày trước mặt, em bé sẽ bị hút về phía chiếc đĩa chứa nhiều bánh hơn. Điều này dựa trên "approximate number system" (tạm dịch là hệ thống nhận thức cho phép con người ước lượng về độ lớn của một nhóm mà không cần tính toán hay dùng đến ngôn ngữ, kí hiệu).
Sau trò chơi này, các bé tiếp tục làm các bài kiểm tra về toán và từ vựng. Trong khi không hề có sự thay đổi về những kĩ năng sử dụng ngôn ngữ thì những bé đã chơi game theo cấp độ từ dễ đến khó đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra môn toán với gần 80% đáp án đúng.
"Khả năng về toán học không tĩnh tại, nó không nằm trong trường hợp nếu bây giờ bạn học dở toán thì bạn cũng sẽ học toán tệ suốt cuộc đời còn lại", Jinjing "Jenny" Wang – một sinh viên của trường Johns Hopkins nói. "Khả năng toán học của bạn không chỉ dễ thay đổi mà nó còn có thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Chúng tôi đã sử dụng những trò chơi kéo dài 5 phút để thay đổi khả năng làm toán của những đứa trẻ", Jinjing chia sẻ thêm.
Trong bài kiểm tra, các bé đã được yêu cầu đếm ngược, đoán tổng của các con số vừa được nghe, tính toán các câu trả lời và viết ra những con số. Những trẻ tham gia thí nghiệm trên mà chơi phần khó nhất ngay từ lúc bắt đầu đạt được số điểm xấp xỉ 60%. Những trẻ tham gia phần chơi có sự kết hợp giữa hai mức độ khó và dễ đạt được gần 70% câu trả lời đúng trong bài kiểm tra.
Khả năng về toán học không tĩnh tại, nó không nằm trong trường hợp nếu bây giờ bạn học dở toán thì bạn cũng sẽ học không tốt toán suốt cuộc đời còn lại. (Ảnh: Alamy).
Các nhà nghiên cứu cho rằng bằng cách cải thiện sự nhanh nhạy của trẻ về các con số theo một quy trình từ dễ đến khó, những kĩ năng về việc học toán của chúng sẽ tạm thời được cải thiện. Trong những giai đoạn nghiên cứu sau, họ đang nghiên cứu để xem xét rằng liệu việc chơi game này có thể được sử dụng như một cách để tạo ra các kết quả lâu dài ở trẻ em hay không?
Lisa Feigenson – Giáo sư Khoa Tâm lý và Khoa học não bộ và đồng thời là tác giả của nghiên cứu này cho biết: "Những phát hiện này nhấn mạnh vào khả năng "nhận thức lõi" được phát triển qua các dạng và làm nền tảng cho những suy nghĩ phức tạp".
"Việc tiếp theo của chúng tôi là trả lời những câu hỏi: liệu việc cải thiện nhanh chóng những kĩ năng về toán học chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn hay có thể là lâu dài hoặc những trò chơi này có thể tăng cường tất cả khả năng về việc học toán của trẻ con hay không? Chúng tôi rất hào hứng để theo dõi đáp án của những câu hỏi này".