Người phụ nữ nổi tiếng trong thế kỷ XIX với biệt danh “nàng khỉ cái” đã được chôn cất tại quê hương mình sau khi mất gần 150 năm.
Thi hài được ướp của Julia Pastrana, từ trần năm 1860 đã được trở về lòng đất mẹ tại Thành phố Sinoa-de-Leyva của Mexico trong chiếc quan tài màu trắng phủ hoa hồng. Trong buổi lễ tang có mặt rất nhiều người, trong sự hiện diện của Thống đốc bang Mario Lopez, tờ Science World Report cho hay.
Lễ mai táng cho Julia Pastrana. (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Mexico đã làm hết sức mình trong việc thu hồi thi hài của Julia Pastrana để đưa về nước sau nhiều thập kỷ. Từ năm 1921 đến năm 1950, thi hài của người phụ nữ này được trưng bày tại Công viên giải trí tại thành phố Lund (Na Uy), như một vật kỳ lạ để thoả trí tò mò cho thiên hạ.
Gần đây, người ta bảo quản thi hài đó trong một chiếc áo quan rất kín tại Khoa giải phẫu Trường Đại học Oslo. Quyết định trả thi hài cô về quê hương mình chỉ được Uỷ ban nghiên cứu cơ thể người của Na Uy chấp thuận vào mùa hè năm 2012.
Julia Pastrana sinh năm 1834 với 2 căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp, một là bệnh rậm lông (hypertrichosis), tóc rất dày, mọc lên đầy mặt. Ngoài ra cô còn có bộ hàm không cân đối, trán ngắn, tai và mũi rất to, vì vậy phần dưới mặt nhô ra như mõm khỉ. Từ năm 16 tuổi cho đến khi qua đời, cô làm trong một rạp xiếc ở Mehico và bị mọi người gọi là “nàng khỉ cái”.
“Nàng khỉ cái” mất năm 1860 trong một chuyến lưu diễn tại Moscow do biến chứng trong khi sinh. Năm ấy cô mới 26 tuổi. Đứa con trai bị di truyền căn bệnh của mẹ, nên cũng chết non. Trong vài năm sau khi cô mất, người chồng cũng là thành viên trong rạp xiếc đi đâu diễn cũng mang xác ướp của vợ đặt trong chiếc quan tại kính đi theo.