Chống tham nhũng phải như chống dịch cúm gia cầm!

Nhân đọc bài Ngành thanh tra không còn “miễn dịch” trước tiêu cực

Trả lời báo chí, ông Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận ngành Thanh tra không còn “miễn dịch” trước tiêu cực với những nguyên nhân “chính thống” như “nhiều lý do khác nhau khó phát hiện được tiêu cực trong nội bộ của mình; không kiểm soát được các “quan thanh tra” vì thời gian và không gian, khối lượng công việc nhiều” (?!)

Rồi ông đem ra hướng khắc phục cũng không kém phần “chính thống” và quyết liệt: “Chúng tôi phải có những biện pháp mới nhằm phòng ngừa sự lây lan trong ngành”“Tin tưởng vào chuyên môn, lương tâm và đạo đức của cán bộ là chính”.

Qua vụ ông Lương Cao Khải và một số vụ tham nhũng lớn trong ngành dầu khí, điện, đất đai… bị phanh phui gần đây, và qua trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ dư luận cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả và tiến tới xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch mà ở đó các quan chức không muốn tham nhũng và đặc biệt là không dám tham nhũng thì:

Một là: cần xem “dịch” tham nhũng hiện nay như đại dịch cúm gia cầm, với những quan chức tham nhũng như những con H5N1, đang có chiều hướng biến đổi phức tạp và kháng viên thuốc “pháp luật”. Với quan điểm “nguy cơ về một đại dịch là rất lớn, khả năng xảy ra đại dịch là rất cao”, Quốc hội, Chính phủ phải đề ra những kế hoạch hành động khẩn cấp huy động mọi cấp, mọi ngành chống “dịch”; tập trung tài chính, con người chống dịch ở những ổ dịch lớn như đất đai và kinh tế mà đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn, đoàn Bắc Giang kiến nghị. Và phải hành động ngay, nếu không thì khi xảy ra đại dịch, hậu quả thật không thể tưởng tượng được.

Hai là: cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật chống tham nhũng, trong đó ngoài các luật chuyên ngành như Hình sự, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng, thì các luật bổ trợ khác như Luật Tự do thông tin; Luật Minh bạch công chức; Luật Giám sát nhân dân... với các quy định hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tố cáo, phanh phui tham nhũng để đưa các thiết chế chống tham nhũng hùng mạnh và đông đảo nhất hiện nay là nhân dân tham gia vào công cuộc chống tham nhũng.

Ba là: chuyên môn hoá cao độ các điều kiện thực thi quyền lực cho đội ngủ công chức bên cạnh chuẩn hoá các tiêu chí bổ nhiệm bảo đảm  cho công chức thực thi quyền lực không chỉ biết dựa vào “chuyên môn, lương tâm và đạo đức” mà còn phải biết nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

 T.P.H

Tôi không còn tin tưởng vào ngành thanh tra!

Sau sai phạm của ông Lương Cao Khải tại cảng đường ống Thị Vải, tôi không còn tin tưởng vào ngành thanh tra nữa. Thanh tra mà nhũng nhiễu đối tượng thanh tra để kiếm tiền thì thật vô lý. Có phải ông Lương Cao Khải với đồng lương trong ngành thanh tra không đủ sống nên phải làm vậy? Hay vì "đi đêm" với đối tượng bị thanh tra đã trở thành một "nhu cầu" không thể thiếu?

Những câu hỏi đặt ra chỉ để xoáy vào vấn đề ông Lương Cao Khải đã vì những đồng tiền dơ bẩn mà làm nhiều việc trái với lương tâm đạo đức người trong ngành thanh tra. Nhưng hỏi sẽ có lợi ích gì khi mà tham nhũng và tiêu cực đã len lỏi đến những cơ quan công quyền mang tính "tai mắt" của dân? Vấn đề là phải nỗ lực cải tổ ngành thanh tra ngay từ bây giờ. Ngành thanh tra cần được cải tổ, cơ cấu lại đơn vị này và chọn những người vừa có tâm vừa có tầm vào làm.

Tôi nghĩ đất nước ta không thiếu những người như vậy. Chỉ có điều là chúng ta có dũng cảm làm và làm đến nơi đến chốn hay không. Những người có tâm huyết, có khí chất vì sự công bằng, vì lợi ích của dân còn nhiều lắm, vậy chúng ta phải chọn người như vậy vào ngành thanh tra. Thanh tra là để tìm hiểu trắng đen những ẩn khuất của vấn đề có liên quan đến quyền lợi của toàn dân chứ không phải thanh tra là vét cho đầy túi tham. Những người có tư tưởng vào ngành thanh tra chỉ để tư lợi thì nghỉ đi hoặc đừng vào thì hơn.

TRÍ NGHĨA

Công bố kết quả thanh tra

Từ trước tới nay, khi nói tới thanh tra, chúng ta nghĩ ngay đến việc làm rõ sai phạm, tiêu cực. Hiểu đúng nghĩa thì công tác thanh tra là công việc phải được tiến hành thường xuyên chứ không phải chờ đến khi có tiêu cực, sai phạm xảy ra mới tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại cho thấy chỉ khi nào dư luận lên tiếng hay cơ quan điều tra vào cuộc thì công tác thanh tra mới được tiến hành.

Điều này đáng lẽ không được xảy ra đối với công tác thanh tra. Bởi lẽ, công luận là lĩnh vực được định hướng, có thể định hướng nhờ kết quả thanh tra. Cơ quan điều tra là cơ quan hành pháp, có nhiệm vụ phải làm rõ những chứng cứ sai phạm. Và cơ quan điều tra phải dựa vào kết luận của thanh tra để làm rõ và tìm thêm những tình tiết mới trong bất cứ vụ việc gì. Như thế có nghĩa là: thanh tra đã “đi sau một bước” trong khi yêu cầu và bản chất của thanh tra phải là đi đầu.

Thanh tra không chỉ là phát hiện, làm rõ sai phạm, tiêu cực mà còn phải ngăn ngừa những hành vi sai phạm, tiêu cực tiềm ẩn từ những dấu hiệu của sai phạm và tiêu cực. Nhưng công tác thanh tra của ta hiện nay chỉ tập trung làm rõ sai phạm, tiêu cực. Còn vấn đề ngăn chặn tiêu cực, sai phạm vẫn để ngỏ.

Trong công tác kiểm tra, xem xét việc làm của địa phương, cơ quan, xí nghiệp có hai hướng kết luận chính, nôm na là: tốt và không tốt. Tuy nhiên, dù kết luận như thế nào thì một bản kết luận thanh tra đầy đủ phải đưa ra được giải pháp. Thế nhưng, hiếm có bản kết luận thanh tra nào làm được công việc này. Chủ yếu kết luận thanh tra là: có tiêu cực, sai phạm hay không; đề nghị chuyển qua cơ quan điều tra hay xử lý nội bộ…

Nếu công tác thanh tra được tiến hành thường xuyên và nghiêm chỉnh, chắc chắn sẽ ngăn chặn được những sai phạm, tiêu cực tiềm ẩn. Tất nhiên, điều đó được giả định là công tác thanh tra hoàn toàn đạt yêu cầu.

Hơn nữa, một thực tế làm cho công tác thanh tra yếu kém, “không miễn dịch” được với tiêu cực chính là sự không công khai, minh bạch trong kết luận. Thông thường, kết luận của thanh tra chỉ được đưa lên công luận khi đó là những vụ việc lớn, được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ấy là chưa nói đến kết luận thanh tra khi được đưa lên báo chí cũng chỉ nằm trong giới hạn của một bản tin. Những kết luận thanh tra nếu được đưa lên công luận, được các nhà chuyên môn, được những người trong cuộc, được nhân dân thẩm định, chắc chắn sẽ mang lại cho bản thanh tra những kết luận xác đáng nhất.

Vậy nên chăng chúng ta phải có quy định rằng: bất kể kết luận thanh tra nào cũng phải công bố toàn văn cho công luận được biết. Nếu kết luận thanh tra được công bố rộng rãi trên báo chí, sự thẩm định của nhân dân chắc chắn sẽ soi rọi xem kết luận thanh tra đó có xác thực hay không. Nếu làm được như thế, thử hỏi có đoàn thanh tra nào dám không “miễn dịch” với tiêu cực? Như thế, chúng ta vừa giải quyết được vấn đề minh bạch, công khai của công tác thanh tra, vừa giải quyết được vấn đề con người của công tác này.

Dù nói thế nào đi nữa thì khi một vấn đề được thẩm định bởi những "chuyên gia nhân dân" thì vấn đề sẽ được giải quyết tận gốc, toàn diện. Bởi hơn ai hết, nhân dân hiểu rằng: quyền lợi của mình được đảm bảo khi tính minh bạch và công khai được thi hành một cách triệt để trong bất cứ trường hợp nào, không chỉ đối với công tác thanh tra.

CHÂN LUẬN

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video