Các thương nhân Trung Đông đã tạo ra các bản ghi chép lâu bền đầu tiên. Phát minh ra chữ viết cho phép thương nhân theo dõi các giao dịch bằng cách ghi lại những gì đã thỏa thuận.
Cũng giống như rất nhiều phát minh khác, chữ viết xuất hiện một cách tình cờ và lần này, nó hiện diện trên mặt sau của một chiếc phong bì.
Người Sumer tạo chữ viết để tiện buôn bán
Khoảng 6.000 năm trước ở vùng Lưỡng Hà, một cộng đồng người được gọi là người Sumer đã phát minh ra một phương pháp mới để theo dõi các giao dịch thương mại. Họ tạo ra các thẻ bằng đất sét có hình dạng giống như các con vật, lọ và các hàng hóa khác, đồng thời ghi lại các giao dịch bằng cách gói các thẻ này vào trong các phong bì bằng đất sét.
Khi đã niêm phong phong bì, họ không còn nhìn thấy những gì bên trong nữa. Vì vậy, họ sử dụng một chiếc que nhọn để đánh dấu lên đất sét mềm những ký hiệu cho biết thứ chứa bên trong. Không mất nhiều thời gian để họ nhận ra rằng khi đã làm như vậy thì họ không cần thẻ nữa: chỉ cần chiếc phong bì đã được làm dấu là đủ.
Chữ hình nêm ra đời từ giao dịch thương mại. (Tranh trong sách).
Vì vậy, vào khoảng năm 3100 TCN, những chiếc phong bì đã biến thành những tấm bảng hình vuông đơn giản bằng đất sét ghi lại các giao dịch thương mại dưới dạng ký hiệu. Việc ghi chép đã bắt đầu.
Lúc đầu, người Sumer sử dụng các ký hiệu là những hình vẽ được đơn giản hóa. Để đẩy nhanh tốc độ ghi chép, họ bắt đầu dùng đầu cây sậy chọc vào đất sét thay vì dùng que để vẽ. Các hình vẽ trông không còn giống như vật thật nữa và trở thành chữ viết thực thụ. Các nhà khảo cổ gọi đó là chữ hình nêm. Loại chữ này đã được sử dụng trong 3.000 năm.
Có một số vấn đề với việc viết theo cách này. Mỗi khi có thêm một từ mới thì phải có ai đó phát minh ra một ký hiệu mới. Một số từ như “trong” hoặc “vào” rất khó chuyển thành hình ảnh. Và làm thế nào để người ta viết tên của mình? Người Sumer ít nhiều đã xử lý được vấn đề này bằng cách sử dụng các từ mà họ có thể vẽ ra để biểu thị những từ họ không thể vẽ, ví dụ: “trong” nghe giống như “nước” trong tiếng Sumer, vì vậy, họ cũng sử dụng ký hiệu cho “nước” để biểu thị “trong”.
Ngày nay, người Trung Quốc vẫn đang sử dụng một hệ thống tương tự, nhưng họ đã phát triển nó hoàn toàn độc lập, có lẽ vào khoảng 3.500 năm trước, và sử dụng các ký hiệu hoàn toàn khác. Hệ thống này vẫn còn tồn tại bởi vì người ở các vùng khác nhau của Trung Quốc phát âm cùng một từ theo cách khác nhau, cho nên việc dùng bảng chữ cái alphabet để ghi lại cách phát âm sẽ không có tác dụng.
Mặc dù người Sumer không bao giờ sử dụng bảng chữ cái nhưng họ là những người đầu tiên biết viết. Nếu không có chữ viết thì sẽ không có lịch sử, và các thương nhân cổ đại này chắc chắn đã giành được chỗ đứng của mình trong lịch sử đó.
Chữ trên đất sét. (Ảnh trong sách).
Một số thông tin đáng lưu ý về chữ viết thuở ban đầu
Chữ ký đất sét. Đất sét đã được sử dụng để lưu giữ thông tin từ rất lâu trước khi chữ viết thực sự ra đời. Người dân vùng Lưỡng Hà niêm phong gói hàng bằng đất sét, sau đó dùng con dấu bằng đá để lưu lại dấu hiệu cá nhân của họ lên đó.
Viết bằng cây sậy. “Cây bút chì và tờ giấy” đầu tiên là một đoạn sậy cứng và một miếng đất sét mềm. Đầu của đoạn sậy được vót nhọn dùng để tạo ra các đường nét trên đất sét.
Chữ hình nêm. Tốc độ viết ở Sumer tăng nhanh khi các đường cong dần dần được phát triển thành hình nêm hoặc hình tam giác với các cạnh ngắn, thẳng. Sau đó, các ký hiệu được viết từ trái sang phải, không có khoảng trống giữa các từ.
Chữ viết Hy Lạp cổ đại. Khoảng 3.000 năm trước, người dân trên đảo Crete sử dụng ba loại chữ viết khác nhau. Những năm 1950, kiến trúc sư người Anh Michael Ventris đã khám phá ra cách đọc loại chữ mà bạn đang nhìn thấy ở đây, được gọi là Linear B. Hai loại chữ còn lại vẫn là bí ẩn.
Chữ viết của người Trung Hoa. Chữ viết đầu tiên của người Trung Hoa xuất hiện cách đây khoảng 3.500 năm, chúng được khắc trên gỗ, xương hoặc vỏ sò. Chữ viết ngày xưa khác với chữ viết ngày nay, nhưng người Trung Hoa vẫn có thể đọc chúng mà không gặp quá nhiều khó khăn.