Chung kết Robocon 2012: Vắng bóng các tên tuổi lớn

Trong 32 đội tuyển lọt vào vòng Chung kết toàn quốc Robocon 2012, nhiều trường đại học về khoa học, kỹ thuật lớn có đội tuyển từng làm nên tên tuổi không góp mặt.

>>> 32 đội dự chung kết Robocon

Không giảm sức hấp dẫn

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Việt Tiến, Trưởng Ban Khoa giáo (VTV2) - Đài truyền hình Việt Nam, Phó Ban tổ chức cuộc thi cho rằng: Đúng là trong một, hai năm vừa qua, một số trường đại học vốn rất mạnh tại Robocon có ít đội tuyển tham gia.

Có thể kể ra đây như như Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (đội duy nhất của Việt Nam vô địch Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương 3 năm: 2002, 2004, 2006), Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (vô địch Robocon Việt Nam 2009)…

Tuy nhiên, Chung kết Robocon 2012 cũng chứng kiến sự áp đảo của Đại học Lạc Hồng với 12 đội thi, chiếm toàn bộ "suất" tham dự vòng Chung kết của khu vực miền Nam.

Theo ông Tiến, những trường từng đạt giải cao lại trở thành chuyên gia, cố vấn cho các trường nhỏ hơn mình.

Ở phương diện Ban tổ chức, Đài truyền hình Việt Nam không thể ép các trường tham gia. Lợi ích của cuộc thi không phải là giải thưởng mà chính là tiềm năng chất xám của sinh viên được phát huy. Khi dành chiến thắng, trường đó sẽ tạo được một tiếng vang nhất định.

Năm nay, Ban tổ chức đã ghi nhận 218 đội tuyển đến từ 47 trường Đại học, cao đẳng tranh tài.

Ông Trần Dũng Trình (Phó Tổng giám đốc VTV), Trưởng Ban tổ chức Robocon Việt Nam 2012 thì cho rằng, đây là năm số lượng các trường cao đẳng, trung học công nghệ tham gia đông đảo nhất. Đây cũng là năm “được mùa” với nhiều trường lần đầu tiên có đội tham dự như Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng nghề Quy Nhơn…

Ông Tiến thì nói Ban tổ chức không hề cảm thấy khó khăn khi ít đội tuyển của các trường đại học lớn tham dự.

Thực tế cho thấy, vòng loại Robocon đã diễn ra hết sức sôi động, thể hiện óc sáng tạo và niềm đam mê của các sinh viên. Sức hấp dẫn cũng ở chỗ, sân chơi Robocon đã trở thành thương hiệu và mỗi một năm thi, các đội thường là lớp sinh viên khác nhau.

Về trường hợp của Đại học Lạc Hồng, Ban tổ chức cho biết quy định của Robocon là mỗi trường được phép có 15 đội tham dự. Do đó, việc 12 đội của Lạc Hồng vào vòng Chung kết không vị phạm quy chế. Song, Ban tổ chức cũng sẽ tính toán để khi bốc thăm chia bảng tránh trường hợp các đội của Lạc Hồng cùng rơi vào một bảng, dễ gây ra tiêu cực.

Robocon 2013: Hứa hẹn đột phá

Cũng như các “mùa Robocon” trước, đội vô địch sẽ đại diện cho sinh viên Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, sự kiện này được tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 8/2012.

Đề thi của Robocon 2012 dựa trên ý tưởng về Cuộc thi hái bánh bao Cheung Chau. Mỗi đội tuyển gồm 4 thành viên được sử dụng tối đa ba robot, gồm một robot bằng tay, một robot tự động và một robot thu thập thực hiện nhiệm vụ lấy bánh bao trên tháp.

Robot bằng tay sẽ phải chở người điều khiển và phối hợp với hai robot tự động còn lại thực hiện các nhiệm vụ đi xuyên qua hầm, vượt cầu, leo cầu thang… để gắp 3 bánh bao trên tháp rồi thả vào giỏ. Chiến thắng sẽ giành cho đội nào có thời gian thực hiện nhanh nhất.

Tuy nhiên, một nhận xét chung của các sinh viên trong nhiều mùa Robocon chính là đề thi mang tính gò bó khi robot phải đi theo đúng tuyến đường vạch sẵn, phạm vi 10m của sân đấu…

Không chia sẻ cụ thể, song ông Tiến “bật mí", năm 2013, Việt Nam sẽ trở thành nước chủ nhà của cuộc thi và đề thi do chúng ta tự viết. Tuy chưa công bố chi tiết, song phía Ban tổ chức cho hay nó sẽ là một đề thi: “lạ, mới, hấp dẫn và kỹ thuật sẽ khó gấp nhiều lần so với các đề thi trước".

Theo Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video