Chứng nghiện - Giải mã bí ẩn và hướng giải quyết

Chứng nghiện là một bệnh thực thể (có nguyên nhân vật chất) hay chỉ là một tệ nạn xã hội (sa sút lối sống, nhân cách)? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp chúng ta có một cách nhìn khoa học hơn về chứng nghiện, người nghiện, đồng thời mở ra hướng tìm thuốc cũng như các giải pháp chống nghiện khác…

Bằng chứng vật chất của chứng nghiện

Nghiện bao gồm nghiện rượu, thuốc phiện, heroin, estasy; nghiện tình dục hay nghiện cờ bạc, internet; nghiện mua sắm…

Từ năm 1950, Hội Y học Mỹ đã nhận định: “Nghiện là dấu ấn của một bệnh bao gồm các triệu chứng đặc thù và một tiến trình có thể dự đoán dẫn đến phế tật và tử vong…”.

Khoảng chục năm qua, với các công nghệ hiện đại (xét nghiệm hình ảnh fMRI, PET) các nhà khoa học đã đạt được tiến bộ đáng kể trong tìm hiểu các cơ chế vật chất của hiện tượng nghiện. Theo đó, hướng các nghiên cứu vào việc: hình dung điều gì đã xảy ra trong não người nghiện? Các chất dẫn truyền thần kinh nào mất quân bình? Ảnh hưởng nào của sự nghiện lên não bộ? Thuốc nào có thể chặn được cơn nghiện?


Nhiều người mắc chứng nghiện mua sắm. (Ảnh: pharmas.co.uk)

TS. Nora Volkow, Giám đốc Viện nghiên cứu lạm dụng thuốc (NIDA) nhận xét: Từ thời khởi thủy văn minh, con người đã muốn dùng thử những thứ làm cho mình dễ chịu. Các hệ thống ghi nhớ, các phản xạ có điều kiện của chính con người có khuynh hướng vận hành thái quá, dẫn đến nghiện. Xét về khía cạnh này, các chất gây nghiện giống như một kẻ thù nhằm vào điểm yếu của cơ thể. Nhưng tại sao trong cuộc chiến ấy có người không nghiện, có người nghiện rồi cai được, có người không thể cai được, ngã gục, trở thành người nghiện?

Bằng nhiều nhận xét lâm sàng và kỹ thuật quét não ảnh tương tự, các nhà khoa học hình dung: Thoạt tiên, không phải là tất cả mà chỉ có những người do bộ não có những nét riêng (tạm gọi là bản tính) mà nhạy cảm với các thức làm dễ chịu, lạc thú (cụ thể hay trừu tượng - gọi chung là chất gây nghiện) và sa vào bẫy nghiện. Sau đó, những chất gây nghiện, đến lượt mình tác động trở lại làm thay đổi các cấu tạo vật chất, các phản xạ não, làm cho người đó ham muốn, khao khát sự dễ chịu, lạc thú (thức nghiện), không thể nào dứt ra được, trở thành người nghiện. Như vậy có mối liên quan, sự tương tác vật chất lên hiện tượng nghiện.

Đến hướng nghiên cứu mới

Theo Frank Voice, trong chất dẫn truyền thần kinh do dopamin, có một nhóm thụ thể dopamin đặc biệt là D3. Thụ thể D3 có thể nhân lên gấp bội khi có sự hiện diện các thức nghiện. Sự nhân lên thụ thể D3 làm cho chất gây nghiện thâm nhập dễ dàng hơn và kích hoạt các tế bào thần kinh. Xét trên phương diện này, thụ thể D3 như là một “máy khuyếch đại” làm cho “cường độ nghiện” tăng lên.

Trong cơ thể, có cân bằng động glutamat-GABA. Glutamat làm tăng sự thèm khát. GABA kháng lại glutamat cũng có nghĩa là chống lại sự thèm khát. Khi glutamat chiếm ưu thế cũng chính là lúc dopamin tăng lên, kèm theo là tăng sự dễ chịu, lạc thú.

Với một số người, có thể ngay từ đầu tiếp xúc với chất gây nghiện, cân bằng động bị lập tức thay đổi, glutamat thắng thế, thụ thể D3 được nhân lên, dopamin hình thành nhiều nên dễ sa vào bẫy nghiện. Cũng có thể, sau khi dùng, chất gây nghiện có tác động trở lại làm cho bộ não thay đổi, cân bằng động glutamat -GABA luôn luôn ở trong tình trạng mất cấn đối, glutamat thắng thế, làm cho người đó dễ phát sinh sự thèm khát, dễ tái nghiện. Dù quan hệ nhân quả thế nào thì có một sự thực hiển nhiên là: nếu dùng một liệu pháp tác động vào hệ cân bằng động glutamat - GABA làm cho GABA thắng thế, thụ thể D3 giảm xuống, dopamin giảm xuống thì nhất định sẽ chống lại được nghiện.

Theo hướng này, các nhà khoa học dùng một số chất chống nghiện mới. Trước hết, dùng chính các thuốc chống động kinh topiramat, vigabtrin. Hai chất này có tác dụng ngăn chặn sự phân giải GABA (làm bền vững, tăng số lượng GABA), làm giảm sự tiết glutamat (giảm lượng glutamat). Với tác dụng ở cả hai đầu như vậy, chúng làm cho cân bằng động glutamat- GABA thay đổi theo hướng có lợi, GABA chiếm ưu thế và chống lại được nghiện. Tại Mỹ, nhiều thầy thuốc đã cho dùng các thuốc động kinh trên để cai nghiện và thu được kết quả khả quan. Nay các nhà khoa học còn nghiên cứu các thuốc khác trong đó có baclofen, một thuốc làm giãn cơ cũ.

Thay lời kết

Nếu xem nghiện là một bệnh thực thể thì người nghiện là người bệnh, cần được điều trị. Ta đã dang rộng vòng tay nhân ái, nâng đỡ người nghiện, ước vọng đưa họ tái nhập vào cộng đồng. Nếu ta có một giải pháp khoa học nữa thì rõ ràng sẽ có cơ hội và có khả năng giúp được họ nhanh hơn, nhiều hơn.

Lẽ dĩ nhiên, cần phân biệt với những người buôn bán chất gây nghiện. Họ biết rõ chất đó gây chứng nghiện, có hại cho cộng đồng nhưng vì lợi nhuận mà vẫn cố tình phổ biến thì cần phải nghiêm trị.

Theo DSCKII. Bùi Văn Uy, SKĐS
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video