Chườm lạnh chữa chấn thương

Khi bị bong gân, sai khớp, bầm dập cơ..., bạn đừng quên chườm lạnh. Liệu pháp này giúp giảm đau và phù nề do làm tăng ngưỡng kích thích của các sợi cơ, gây co mạch, giảm lượng máu lưu thông ở vùng tổn thương.

Trong lao động, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, con người có thể bị tai nạn gây nên các chấn thương khác nhau như bong gân, sai khớp, bầm dập cơ, gãy xương, điện giật, bỏng... Để cấp cứu tại chỗ, có các kỹ thuật cơ bản như băng bó, cầm máu, cố định, vận chuyển và hô hấp nhân tạo... tùy theo tình trạng chấn thương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta lại quên không dùng liệu pháp chườm lạnh.

Với một số chấn thương thường gặp như bong gân, bầm dập cơ, rách cơ, giãn rách dây chằng ở mức độ vừa và nhẹ, có thể tiến hành tự chữa trị tại nhà, việc dùng chườm lạnh lại đặc biệt hiệu quả. Khi bị các chấn thương này, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, trong giai đoạn từ 24-72 giờ đầu, vùng tổn thương cần yên tĩnh hoàn toàn để thực hiện các biện pháp như chườm lạnh, cố định và nâng cao tư thế vùng tổn thương.

Chườm lạnh trên vùng chấn thương được sử dụng như một phương pháp độc lập, nằm trong quy trình điều trị chấn thương thông thường nói chung và chấn thương thể thao nói riêng. Phương pháp này đơn giản nhưng hiệu quả mà nó đem lại vô cùng to lớn. Chườm lạnh có tác dụng làm tăng ngưỡng kích thích của các sợi cơ, làm co mạch, giảm lượng máu lưu thông ở vùng tổn thương dẫn đến giảm phù nề, giảm đau. Chườm lạnh làm giảm co thắt cơ dẫn đến cải thiện tuần hoàn và kết quả là giảm rối loạn chuyển hóa ở vùng bị chấn thương.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, chườm lạnh cần phải được tiến hành ngay ở những phút đầu tiên sau khi bị chấn thương. Trong 48-72 giờ đầu, việc chườm lạnh cần được tiến hành thường xuyên. Mỗi đợt chườm lạnh kéo dài từ 15-20 phút, thời gian nghỉ giữa hai đợt khoảng 120-180 phút (trong 24 giờ đầu cần tiến hành thường xuyên hơn, thời gian nghỉ giữa hai đợt khoảng 30-60 phút). Tùy theo mức độ chấn thương, chườm lạnh có thể được tiến hành cho đến ngày thứ 7 sau chấn thương với tần suất giảm dần.

Với những chấn thương nhẹ, phù nề và rớm máu ít, chỉ cần áp dụng chườm lạnh trong 24-48 giờ đầu là đủ. Thời gian mỗi đợt chườm lạnh khoảng 10-15 phút phụ thuộc vào loại chấn thương và độ sâu của bộ phận tổn thương.

Kỹ thuật chườm lạnh được tiến hành như sau: Dùng nước đá hoặc đá chưa tan đập nhỏ bọc trong nilon hoặc khăn bông ẩm (nhiệt độ nước đá khoảng 0-3 độ C). Vùng chườm lạnh nên bôi một lớp kem trung tính, vaselin... để tránh nguy cơ bị tổn thương do lạnh. Áp nhẹ khối nước đá lên bề mặt da vùng chấn thương, xoa nhẹ theo đường tròn đồng tâm trong 5-10 phút tùy đặc điểm giải phẫu của vùng tổn thương.

Cảm giác đặc trưng khi sử dụng phương pháp này là vùng được chườm cảm thấy lạnh, đau buốt và cuối cùng là cảm giác tê dại.

Tránh những chuyển động gây đau, vì đau có thể gây hiện tượng co thắt. Vùng tổn thương phải được thả lỏng tối đa để quá trình hồi phục diễn ra dễ dàng.

Ở giai đoạn này, chườm lạnh kết hợp với các biện pháp sau:

Băng ép: Dùng băng vải hay văng chun băng ép vùng chấn thương đủ chặt để giảm phù nề và tạo điểm tựa vững chắc cho vùng cơ khớp bị chấn thương. Băng ép vùng chấn thương trong thời gian tiến hành phương pháp chườm lạnh bằng cách băng đè lên khối nước đá, và băng trong thời gian giữa hai đợt chườm lạnh.

Giữ cao tư thế: Vùng tổn thương cần được giữ ở tư thế nâng cao để tránh tình trạng ứ máu và hạn chế phát triển phù nề. Tùy theo bộ phận chấn thương mà ta có tư thế treo cao phù hợp để không cản trở tới sinh hoạt. Nếu điều kiện cho phép thì nên nâng vùng tổn thương cao hơn đầu.

Những điều cần chú ý

Trong 72 giờ đầu sau chấn thương, không được dùng bất cứ phương pháp hay các chất (kể cả tắm rửa bằng nước nóng), gây nóng vùng tổn thương, không dùng cao, không được xoa bóp vùng chấn thương, không uống rượu. Tất cả những điều đó sẽ làm tăng phù nề và chảy máu ở vùng bị chấn thương.

Phác đồ tự điều trị trên chỉ dùng ở giai đoạn đầu của việc điều trị hay cấp cứu ban đầu. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ tổn thương, có thể đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Cần đến bác sĩ nếu trong vòng 24-48 giờ dùng các biện pháp tự điều trị trên mà các triệu chứng tổn thương cơ, gân, khớp, dây chằng (đau, phù nề) không thuyên giảm, hay lại thấy đau hơn, phù nề hơn.

Trong khi dùng phác đồ tự điều trị trên, có thể kết hợp dùng các thuốc giảm đau chống viêm (aspirin, ibuprofen...) tùy theo tình trạng tổn thương.

TS Đặng Quốc Bảo

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video