Chuyên gia cảnh báo nguy cơ từ kế hoạch thay đổi bức xạ Mặt trời

Các chuyên gia lập luận rằng dù việc bơm hàng tỷ hạt lưu huỳnh vào tầng bình lưu của khí quyển giúp phản lại phần lớn tia sáng Mặt trời, nhưng hậu quả có thể lớn hơn những lợi ích có được.

Hơn 60 chuyên gia chính sách và nhà khoa học ngày 17/1 lên tiếng kêu gọi các chính phủ ngăn chặn các hệ thống địa kỹ thuật quy mô toàn cầu trong khuôn khổ kế hoạch đang rất gây tranh cãi mang tên Thay đổi bức xạ Mặt trời (SRM), vốn được thiết kế nhằm làm mát bề mặt Trái Đất và giảm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Trong một bức thư ngỏ, các chuyên gia lập luận rằng dù việc bơm hàng tỷ hạt lưu huỳnh vào tầng bình lưu của khí quyển giúp phản lại phần lớn tia sáng Mặt trời, nhưng hậu quả có thể lớn hơn những lợi ích có được.

Bức thư, được đăng trên tạp chí về biến đổi khí hậu WIREs Climate Change, nêu rõ: “Không thể quản lý trên phạm vi toàn cầu việc triển khai địa kỹ thuật Mặt trời một cách công bằng, toàn diện và hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các chính phủ, Liên hợp quốc (Liên Hợp Quốc) và các thể chế khác ngay lập tức nhằm ngăn chặn việc coi địa kỹ thuật Mặt trời như một lựa chọn chính sách khí hậu bình thường”.

Việc nhiệt độ tăng thêm 1,1 độ C so với mức nhiệt vào giữa thế kỷ 19 đã làm tăng cường độ, tần suất và thời gian xảy ra các đợt nắng nóng chết người, hạn hán và các trận siêu bão.

Các nước trên thế giới đã cam kết khống chế mức tăng nhiệt bề mặt Trái Đất ở 1,5 độ C so với giữa thế kỷ 19, nhưng các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc cho biết giới hạn này sẽ bị vượt qua, có thể trong một thập kỷ tới.

Việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến một số nhà hoạch định chính sách dựa vào địa kỹ thuật Mặt trời – vốn cách đây không lâu còn bị coi là khoa học viễn tưởng – để “câu giờ” trong khi tìm một giải pháp bền vững hơn.

Từ lâu mọi người đều biết rằng việc bơm một lượng lớn các hạt phản xạ ánh sáng vào tầng cao khí quyển có thể "làm mát" hành tinh. Trong tự nhiên cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự: tro bụi từ vụ phun trào núi lửa năm 1991 ở Philippines đã giảm nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái Đất trong hơn 1 năm.

Nhưng bức thư ngỏ đã nêu ra một số lý do để phản bác lộ trình hành động theo hướng này. Một số nghiên cứu đã chứng tỏ rằng việc làm giảm bức xạ Mặt trời một cách nhân tạo sẽ làm gián đoạn mưa theo mùa ở Nam Á và Tây Phi, đồng thời hủy hoại những mùa vụ cần nước mưa mà hàng triệu người đang sống phụ thuộc vào đó.

Trong đánh giá khoa học mới nhất, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết: “Việc bơm lưu huỳnh vào khí quyển làm giảm lượng mưa mùa Hè tại châu Á, châu Phi và gây khô hạn tại rừng Amazon”. Tuy nhiên, cũng có những khu vực sẽ được lợi: một nghiên cứu hồi năm ngoái kết luận rằng SRM có thể ngăn chặn các nguy cơ hạn hán ở miền Nam châu Phi.

Các nhà khoa học cũng lo ngại về cái gọi là "cú sốc kết thúc" khi việc bơm lưu huỳnh này bất ngờ dừng lại. IPCC cho biết nếu SRM “dừng lại vì bất cứ lý do gì, nhiều khả năng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ tăng lên nhanh chóng".

Bên cạnh đó, công nghệ trên không làm gì để ngăn chặn sự gia tăng liên tục của CO2 trong khí quyển, vốn làm thay đổi bản chất hóa học trong các đại dương.

Thư ngỏ cũng lo ngại rằng việc hy vọng nhiều vào một cách giải quyết về khí hậu “có thể khiến các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội không tiếp tục nỗ lực hết mình để đạt trung hòa CO2 càng sớm càng tốt”.

Cuối cùng, hiện chưa có hệ thống quản lý nào ở quy mô toàn cầu để giám sát hoặc thực hiện các cơ chế địa kỹ thuật Mặt trời. Các nhà khoa học kêu gọi một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn các quốc gia tài trợ và tiến hành các thí nghiệm ngoài trời không tốt và từ chối cấp bản quyền cho các công nghệ SRM. Thư ngỏ nêu rõ một thỏa thuận như vậy “sẽ không ngăn cản các nghiên cứu khác về khí quyển hay khí hậu”.

Cập nhật: 18/01/2022 Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video