Mọi người đều đã quen với câu chuyện về những phút cuối đời của Nữ hoàng Cleopatra. Vị Nữ hoàng quẫn trí vì sự sụp đổ của vương quốc và cái chết của người tình đã lén đem một con rắn độc vào khuê phòng khóa kín rồi tự sát, bên cạnh hai nữ tì.
Đi tìm sự thật về cái chết của nữ hoàng Cleopatra
Theo nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley thì câu chuyện trên có vẻ hoang đường. Trong quyển sách mới của mình, Cleopatra: Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập, vừa được xuất bản ở châu Âu và đang chuẩn bị phát hành ở Mỹ, Tyldesley đã phủ nhận truyền thuyết về “vụ tự tử do rắn cắn” này.
Ảnh: dribbble.com
Tyldesley, giảng viên tại Đại học Manchester, Anh, phát biểu với Discovery News rằng “Có vẻ đối với tôi giả thuyết rắn độc này khó mà đứng vững, vì có quá nhiều lỗ hổng trong câu chuyện trên.” Bà đặt ra những câu hỏi như: Một con rắn đã giết cả ba người, hay có đến ba con rắn được đem vào? (Những) Con rắn vào phòng như thế nào? Sau đấy chúng thoát đi đâu? Vì không phải tất cả các loài rắn đều độc, làm sao những người này đảm bảo là họ sẽ chết?
“Về mặt cơ bản, tôi cho rằng có những cách tốt hơn và chắc chắn hơn nếu một người nào đó muốn kết liễu bản thân.” Bà cho biết thêm một phần của câu chuyện cũng có thể đúng. Theo như một số tư liệu lịch sử, Cleopatra thực sự băng hà ở Alexandria vào khoảng năm 30 trước Công nguyên, và không có chứng cứ lịch sử nào chứng minh bà có triệu chứng ốm. Đối với Tyldesley những khoảnh khắc trước lúc lâm chung của Nữ hoàng có thể có thật, đặc biệt là chuyện Cleopatra đã đuổi những nô lệ đi, trừ hai tì nữ Charmian và Eiras.
Bà giải thích rằng “Quyết định chết trước mặt hai tì nữ của Nữ hoàng có tính thực tế, vì theo như tín ngưỡng Ai Cập cổ người chết cũng cần có người hầu. Một trong những nỗi sợ của người phụ nữ tự sát là cơ thể họ sẽ bị phơi trần phần nào trước mặt người lạ.” Chính vì vậy, Nữ hoàng bảo vệ tiết hạnh của mình lúc sống cũng như chết bằng cách giữ lại một số nữ tì.
Trong những tài liệu do sử gia Hy Lạp Plutarch và sử gia La Mã Cassius Dio viết, Cleopatra đem một con rắn vào phòng bên trong một bình quả vả hoặc bình nước, nhưng cả hai sử gia đều tỏ ra nghi ngờ câu chuyện trên. “Một con rắn hổ mang trưởng thành, hay ba con, có lẽ phải cần một bình quả vả hoặc một bình nước cực lớn.”
Bà tin rằng thay vào đó, Cleopatra và các nữ tì chết vì một loại độc tự chế, có thể được đưa lén vào phòng hoặc cất giữ trên người nữ hoàng trong một cái trâm cài hoặc lược. Một trong những người chú của Cleopatra tự tử bằng cách nuốt thuốc độc; tự tử là một điều cao quý trong truyền thống Hy Lạp mà gia đình bà tuân theo.
“Cái chết của Nữ hoàng Cleopatra” - Tác phẩm hội họa “Cái chết của Nữ hoàng Cleopatra” do Reginald Arthur vẽ vào năm 1892. Vụ tự tử của Cleopatra thường được miêu tả trong các tác phẩm nghệ thuật giống như những gì truyền thuyết dân gian kể lại – với một con rắn độc. Một quyển sách mới đã nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này, cho rằng Cleopatra chết vì những nguyên nhân khác, thậm chí là bị ám sát. (Ảnh: Reginald Arthur/Getty Images)
Cleopatra có lẽ đã “chọn cái chết của riêng mình hơn là chờ Octavian giết hoặc sỉ nhục”. Octavian đánh bại Antony và Cleopatra trong trận Actium và sau này trở thành Hoàng đế Augustus của La Mã. Một số nhà nghiên cứu còn tin rằng Octavian ám sát Cleopatra. Người lập hồ sơ tội phạm Mỹ Pat Brown tiếp nhận trường hợp này trong năm 2004 và nghiên cứu nó theo cách mà bà tiến hành với một vụ án xảy ra ở thế kỷ 21.
Brown cũng phát hiện ra những lỗ hổng trong câu chuyện rắn cắn. Với sự giúp đỡ của nhà Ai Cập học Nicole Douek, Đại học London và giảng viên David Warrrell, Đại học Oxford, bà đi đến kết luận rằng Octavian “cử người đến thi hành nhiệm vụ” và dựng nó lên như một vụ tự sát.
Tyldesley đồng ý rằng Octavian đã “muốn Cleopatra chết, mặc dù giả thiết ông muốn diệt trừ tận gốc dòng giống Ptolemaic đầy rắc rối không thuyết phục khi chúng ta xem xét việc ông tha mạng ba trong số những người con của Cleopatra, đồng thời cho phép con gái của Cleopatra kết hôn và sinh con.”
Còn về truyền thuyết con rắn, Tyldesley nghĩ rằng do người Ai Cập sợ và tôn sùng loài rắn. Cleopatra, chính vì thế, đã đội vương miện mang hình rắn được những nghệ nhân tạo ra bằng tất cả sự sùng kính “Những nghệ sĩ đời sau đã say mê ý tưởng về con rắn của hoàng gia Ai Cập và phát triển nó, càng khẳng định sự suy đoán Nữ hoàng chết vì rắn cắn.”
Tháng 8/2009, các nhà khảo cổ Hy Lạp tuyên bố đã tìm thấy xương sọ và hài cốt mà họ tin rằng của Cleopatra và tướng quân La Mã Antonius. Đây là tia hy vọng để biết được bí mật về cái chết của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, người là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho thi ca, nhạc họa, điện ảnh,…và hình ảnh quyến rũ của vị nữ hoàng Ai Cập cuối cùng đã đi sâu vào lòng người trên khắp thế giới.