Câu “có công mài sắt có ngày nên kim” có thể thúc giục người ta cần mẫn hơn trong một môn thể thao hoặc một nhiệm vụ nào đó, và một số nghiên cứu cho rằng nhiều lĩnh vực khác cũng có chung phương trình này.
Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc Đại học bang Michigan và Đại học Nam Illinois Edwardsville (Mỹ) cho thấy khả năng bẩm sinh của một người có lẽ không phải là vấn đề lớn lao lắm. Nói một cách khác, một số người có những phẩm chất mà khi được kết hợp với sự rèn luyện có thể biến họ trở thành “thiên tài bẩm sinh”.
Được gọi là “năng lực bộ nhớ làm việc”, khả năng sử dụng kiến thức và thích ứng với các tình huống mới lạ này có lẽ giúp phân biệt được người thực sự giỏi với người giỏi nhất. Một nghiên cứu khác, do các chuyên gia của Phòng thí nghiệm Nguồn nhân lực của Không lực Mỹ thực hiện, cho rằng người có năng lực bộ nhớ làm việc cao hơn có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn.
Trong một thử nghiệm gần đây nhất, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về 57 nghệ sĩ piano với các cấp độ kinh nghiệm thực hành khác nhau. Một số người chỉ có 260 giờ luyện tập nghiêm chỉnh trong khi những người khác đã trải qua 31.000 giờ toát mồ hôi.
Những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một số nhiệm vụ như chơi lập tức các bản nhạc mà không có thời gian chuẩn bị. Đương nhiên, những người luyện tập nhiều đã chơi tốt hơn. Nhưng người chơi tốt nhất cũng là người có năng lực bộ nhớ làm việc cao hơn, các tác giả cho biết.
Nhóm không công bố nhiều chi tiết về các nhiệm vụ hay cách đo năng lực bộ nhớ nên chưa rõ liệu các nhân tố khác có ảnh hưởng đến kết quả hay không. Điều quan trọng từ cuộc nghiên cứu là nó không chỉ hàm ý rằng một người cần có năng lực bộ nhớ làm việc cao để đạt được thành công mà còn chỉ ra rằng loại bộ nhớ này có vai trò lớn hơn chúng ta nghĩ.
Kết quả có thể là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao những thiên tài cờ vua luôn vượt trội hơn đối thủ dù cả hai có kiến thức và mức độ kinh nghiệm ngang nhau.