Ở châu Phi có một loại chim rất độc đáo có tên thường gọi là cò mỏ giày, tên khoa học là Balaeniceps rex. Loại chim này chỉ thấy có duy nhất ở châu Phi. Mới nhìn bề ngoài đã thấy ngồ ngộ: mỏ vừa sâu, rộng, dài khoảng 20cm trông giống như một chiếc giày bằng gỗ. Màu hơi vàng với những đốm đen, phần cuối mỏ trông như có cái móc.
Cò mỏ giày rất thạo trong việc dùng "chiếc giày gỗ" để kiếm mồi. Chúng dành hầu hết thời gian để lục lọi dưới nước, chiếc giày gỗ này tóm đủ thứ: từ cá, ếch nhái, rắn nước, cá sấu nhỏ, động vật thân mềm, đến cả xác chết trong bùn lầy.
(Ảnh: dinets.trave) |
Các hàm của chúng có cạnh sắc bén, giúp ích cho cả việc bắt mồi lẫn việc ăn mồi. Trước khi bị nuốt vào bụng, con mồi thường bị đôi hàm sắc bén này cắt đứt đầu.
Loại chim này khá dễ nhận dạng: là loại chim nước cao, dài khoảng 1,2m; đứng cao khoảng 1,2m. Do có cái đầu khá to và hộp sọ rất lớn so với thên thể mình nên chúng còn được dân địa phương gọi là "cò đầu cá voi". Bộ lông màu nâu hơi đen, có một chùm lông mềm trên đầu, cánh rộng, chân dài và có màu hơi đen. Mắt to, có màu hơi vàng hay trắng xám. Con đực to hơn con cái, mỏ cũng dài hơn. Con "vị thành viên" sẫm màu hơn con trưởng thành.
Cò mỏ giày bay giỏi, chúng bay nhanh nhẹn, thỉnh thoảng còn biết lượn, hay bay vút lên cao nhờ vào những luồng gió từ dưới đất bốc lên. Khi ở trên mặt đất hay khi đang bay, chúng thường rụt cổ lại và để cái mỏ nặng nề lên trên ngực như kiểu con diệc hay con bồ nông hay làm.
Cò mỏ giày chỉ sống lủi thủi một mình ở bờ sông và đầm lầy nước ngọt, có người đã từng nhìn thấy chúng tập hợp thành bầy đến 7 con. Khi thức ăn khan hiếm, chúng kiếm mồi ở gần nhau hơn. Thông thường mỗi cặp vợ chồng cò mỏ giày lại đi kiếm ăn riêng rẽ ở 2 rìa thuộc "lãnh địa" của mình chứ hiếm khi đi kiếm ăn chung với nhau.
Tuy thích kiếm sống một mình như vậy, nhưng cò mỏ giày nổi tiếng là chung thủy, suốt đời chỉ 1 vợ 1 chồng. Cả cò bố và cò mẹ đều tham gia trong chuyện xây tổ, ấp trứng, nuôi con. Vào mùa sinh sản, chúng trở nên hung hãn và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ, chống lại bất cứ con thú dữ hay kẻ cạnh tranh nào. Mùa sinh sản thường là vào mùa khô. Điều rất lạ là chúng vẫn tỏ ra khá ngoan ngoãn và thoải mái khi con người đến gần tổ của chúng. Mỗi mùa sinh sản, cò cái đẻ vào tổ chừng 2-3 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 30 ngày. Để đối phó với thời tiết châu Phi luôn nóng nực, cò bố mẹ biết "điều hoà nhiệt độ" cho trứng nhằm giữ cho trứng không quá nóng, chúng ngậm cả một miệng nước và tưới lên cổ. Chúng còn biết lấy cỏ ướt đặt quanh trứng và lật trứng qua lại bằng bàn chân và mỏ.
(Ảnh: image24.webshots)
Con non mới nở có một lớp lông mịn, màu xám bạc. Cò bố mẹ tiếp tục tưới nước và che mát cho con cho đến khi lông của con non phát triển đầy đủ. Sau khi nở, bố mẹ nuôi con bằng thức ăn nhai mớm ít nhất 1-3 lần mỗi ngày, và sau đó là 5-6 lần mỗi ngày khi con non lớn hơn một chút. Những con chim non này là những kẻ tham ăn khủng khiếp, nếu bố mẹ không kịp cho chúng ăn khi đói chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau.
Cò mỏ giày non lớn chậm hơn so với những loại chim khác. Chúng đủ lông đủ cánh hoàn chỉnh lúc được 95 ngày tuổi. Tuy nhiên, con non chưa thể bay mãi cho đến khi được 105-112 ngày tuổi. Bố mẹ cò phải nuôi con non thêm 1 tháng nữa sau đó chúng mới chịu sống hoàn toàn tự lập. Thường thì mỗi lứa chỉ còn có một con non lớn lên được, vì bị thú dữ ăn thịt hay do con non ăn thịt lẫn nhau.
Tổ được làm bằng cây lá mọc trong nước. Đáy tổ chỉ hơi cao hơn mặt nước một chút, tổ ở trên một ụ đất giữa 4 bề là nước hay trên một đám thực vật nổi lềnh bềnh trên nước.
Tuy con Balaeniceps rex có nhiều nét giống cò nên mới đặt tên cho chúng là "cò mỏ giày", nhưng các chứng cứ về giải phẫu học cho thấy chúng có mối quan hệ gần gũi với bồ nông.