Cò mỏ giày trưởng thành có thể cao tới 1,5m và là động vật ăn thịt phục kích đáng sợ, chuyên đứng im trong đầm lầy trước khi lao thẳng xuống để nuốt chửng con mồi bằng chiếc mỏ khổng lồ.
Hai con cò mỏ giày non cạnh tranh để sinh tồn khi chim mẹ bay đi kiếm mồi. (Video: BBC).
Cò mỏ giày có tên khoa học Balaeniceps rex, thường sống trong những đầm lầy ở Đông Phi, chuyên ăn cá và bò sát, theo Live Science. Loài chim hung tợn trông như quái vật tiền sử này có chiếc mỏ dài 0,3 mét đầy sắc cạnh, là loài chim có mỏ lớn thứ ba trên thế giới. Chiếc mỏ ngoại cỡ và đôi chân dài gân guốc biến nó thành hung thần đầm lầy, chuyên tấn công những con mồi mất cảnh giác và nuốt chửng toàn bộ.
Một nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí African Ornithology phát hiện cá trê là con mồi phổ biến nhất của cò mỏ giày, chiếm khoảng 71% chế độ ăn của chúng. Tuy nhiên, loài chim này cũng ăn lươn, rắn, thậm chí cả cá sấu con.
Cò mỏ giày ghép đôi trọn đời và đẻ 3 quả trứng trong một ổ.
Cò mỏ giày chủ yếu sống đơn độc, nhưng ghép đôi trọn đời và đẻ 3 quả trứng trong một ổ. Nhưng do sự cạnh tranh giữa các con non, chỉ có một con chim non sống sót tới tuổi trưởng thành. Đó thường là con non nở đầu tiên và lớn hơn, có thể cạnh tranh thức ăn với em nó hoặc giết chết chúng. Con non ra đời thứ hai hoặc thứ ba về cơ bản đóng vai trò dự phòng nếu chim non đầu tiên không sống sót. Hành vi này từng được ghi hình trong chương trình Africa của nhà tự nhiên học David Attenborough, trong đó con non sinh sớm hơn cắn em nó. Khi chim mẹ quay trở lại, nó không quan tâm tới con non nhỏ yếu.
Cò mỏ giày là thành viên duy nhất trong chi Balaenicep và thuộc họ Balaenicipitidae. Họ hàng còn sống gần nhất với nó là bồ nông. Tổ tiên của nó đến từ lớp Pelecaniformes xuất hiện cuối kỷ Phấn Trắng (cách đây 66 - 145 triệu năm). Loài chim mỏ lớn này thuộc danh mục loài dễ tổn thương trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN với 5.000 - 8.000 con còn sót lại trong tự nhiên.