Nếu so sánh với các loài khác trong biểu tượng 12 con giáp, chó và mèo có thể được coi là hai loài vật gần gũi với con người nhất.
Trong đó, khi nhắc đến loài mèo, người ta thường biết đến hình ảnh loài vật tinh khôn, nhanh nhạy, có đủ sức mạnh của loài thú ăn thịt nhưng cũng có đủ sự nhẹ nhàng, đáng yêu của một con vật được cưng chiều.
Trong đời sống hàng ngày, con người cũng quen thuộc và thân thiện với loài mèo. Hình ảnh con mèo trong văn hóa, trong tư duy của mọi người cũng rất là đa dạng và độc đáo, với những cách thể hiện riêng biệt về khả năng ứng phó, linh hoạt với cuộc sống và nhất là tính kiên trì nhẫn nại, điều riêng có ở loài mèo mà không phải con vật nào cũng làm được.
Tại Malaysia, loài mèo còn được đặt tên riêng cho một thành phố với cái tên "Kuching - thành phố của mèo".
Không ai biết lý do tại sao Kuching lại được đặt tên theo tên của một con mèo, nhưng khắp mọi nơi trong thành phố đâu đâu cũng có sự hiện diện của chúng, từ tên gọi cho đến các danh lam thắng cảnh quanh thành phố.
Thành phố mèo Kuching - Miền đất hứa của Malaysia.
Khởi nguồn của Kuching
Tuy được biết đến với cái tên là "thành phố của mèo" với hình ảnh của loài mèo ở khắp mọi nẻo đường phố, ẩn hiện trong cuộc sống của người dân nơi đây, nhưng không ai thực sự biết được cái tên Kuching bắt nguồn như thế nào?
Giả thuyết được nhiều người đồng ý nhất là tên Kuching gắn bó chặt chẽ với nhà thám hiểm người Anh James Brooke. Lần đầu tiên đến Kuching trên con tàu Royalist của mình, James Brooke đã hỏi người hướng dẫn địa phương về tên của địa điểm mà ông đặt chân đến.
Tuy nhiên khi đó người hướng dẫn là tưởng ông đang chỉ về phía một con mèo, do đó đã trả lời là "Kuching", tiếng Mã Lai có nghĩa là con mèo. Và từ đấy, một giả thuyết về nguồn gốc của tên thành phố được ra đời.
Một giả thuyết khác được cho là bắt nguồn từ tên gọi của một nhánh sông Sarawak hoặc một loại trái cây địa phương gọi là mata kuching, có nghĩa là mắt mèo.
Hình ảnh những chú mèo xuất hiện khắp nơi tại Kuching.
Có một truyền thuyết khác lại được kể rằng, vào những năm 1950, nhiều người dân ở Sarawak Borneo đã thiệt mạng vì bệnh sốt rét. Để giải quyết tình trạng này, các nhà chức trách đã rải rất nhiều thuốc diệt côn trùng DDT.
Loại thuốc này tuy có thể giúp cộng đồng chống lại muỗi mang mầm bệnh sốt rét nhưng nó cũng đồng thời giết chết một số lượng lớn mèo trên đảo. Hậu quả của việc này là quần thể chuột phát triển mạnh mẽ và chúng mang đến bệnh dịch hạch.
Vì vậy để giải quyết vấn đề này, Lực lượng Không quân Hoàng gia Vương quốc Anh đã thả 14.000 con mèo xuống vùng nông thôn Borneo của Malaysia trong một nhiệm vụ có tên gọi là "Chiến dịch Cat Drop".
Tuy câu chuyện này chưa được kiểm chứng nhưng nó nổi tiếng đến mức được cho là một trong các nguyên nhân khiến Thượng viện Hoa Kỳ cấm thuốc DDT vào năm 1972.
Mặc dù nguồn gốc chính xác của cái tên thành phố này là gì vẫn chỉ là những giả thuyết, tuy nhiên Kuching chính thức được biết đến là thành phố mèo từ năm 1988, dần dần nhiều cảnh quan đô thị của nó cũng được gợi nhớ tới loài mèo.
Những điều thú vị tại thành phố mèo
Tại Kuching, loài mèo xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những chú mèo tại các quán cà phê cho tới những bức tượng khổng lồ, các tác phẩm nghệ thuật đường phố và đặc biệt còn có một bảo tàng dành riêng cho mèo với diện tích khoảng hơn 1.000 mét vuông, được xây dựng vào năm 1987.
Về mối quan hệ giữa người dân địa phương và loài mèo, được biết, Kuching là thành phố đa sắc tộc, nơi sinh sống của nhiều người Mã Lai, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các bộ lạc địa phương như Iban, Bidayuh, Orang Ulu và Melanau.
Và mèo mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi nhóm người sống ở Kuching. Đối với người Trung Quốc, mèo là biểu tượng của sự may mắn. Qua hàng trăm năm, mèo cũng đã được sùng bái bởi những người theo đạo Hồi - hình thức tôn giáo chiếm ưu thế trong các bộ lạc bản địa trên đảo Borneo. Nhà tiên tri Muhammad có nuôi một chú mèo tên Muezza.
Thêm nữa, những cư dân đảo Borneo cũng rất yêu quý loài mèo bởi chúng giúp người dân kiểm soát côn trùng như truyền thuyết đã kể trên. Tại các vòng xoay, ngã tư rất nhiều tượng mèo được tạc lên vừa thu hút sự chú ý của khách du lịch vừa để hộ mệnh cho thành phố này, bởi quan niệm của người Malaysia thì mèo là con vật đem lại nhiều may mắn. Ngay cổng vào trung tâm thành phố, có tượng một chú mèo trắng khổng lồ.
Hình ảnh những chú mèo đi sâu vào cuộc sống người dân Kuching. Các tượng đài mèo có mặt khắp chốn, đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc, chất liệu, trạng thái và sống động đến kinh ngạc. Mèo hiện diện trên đường phố, quảng trường, công viên cho đến cửa hàng, cơ quan và gia đình. Có hẳn trường học mang tên mèo (I CATS - Trường cao đẳng Quốc tế Công nghệ Sarawak).
CATS FM là Đài phát thanh địa phương… Nơi cao nhất của thành phố, trên một trụ cao là hình ảnh cán cân công lý và mèo bằng vàng cùng bốn mèo trắng bên dưới. Meow Meow Cat Café ở gần sông Sarawak là không gian mèo dành cho những người mê mèo nhưng không có điều kiện. Ở đây, có nhiều giống mèo như mèo Kiwi to lớn, lông trắng xù; mèo Bengal Suria vương giả; mèo Ba Tư Honey mắt to tròn; mèo April lông dài màu xám…
Thành phố Kuching khi đêm xuống.
Theo nghiên cứu, một trong những lý do đặc biệt trong mối quan hệ thân thiết giữa mèo và con người là khả năng phân biệt giọng nói của chủ nhân và người lạ. Các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng, những con mèo có thể phân biệt khi chủ của mình đang nói chuyện với giọng hướng về chúng so với giọng hướng về người khác, nhưng không phản ứng khác biệt khi một người lạ thay đổi giọng điệu.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, những phát hiện của họ mang lại một khía cạnh mới về mối quan hệ giữa mèo và người, cũng như khả năng giao tiếp của mèo dựa trên kinh nghiệm về giọng của người nói. Họ kết luận rằng, mối quan hệ một đối một rất quan trọng để mèo và người hình thành mối quan hệ bền chặt.