Maneki-neko: Tượng mèo may mắn nổi tiếng của Nhật Bản và câu chuyện ít người biết về nguồn gốc ra đời

  •   52
  • 578

Nếu đã từng đến Nhật Bản hoặc các quốc gia khác thuộc khu vực châu Á, có lẽ bạn đã nhìn thấy bức tượng con mèo đang mỉm cười đưa chân trước vẫy chào bạn.

Bức tượng ấy vốn đã quá quen thuộc với người dân xứ sở Mặt trời mọc và được gọi với cái tên thân thương là maneki-neko (hay mèo chào đón, mèo may mắn, mèo tiền, mèo hạnh phúc và mèo vẫy gọi). Maneki-neko được cho là mang lại may mắn cho các doanh nghiệp làm ăn buôn bán...

Maneki-neko là gì?

Maneki-neko mô tả một con mèo Bobtail Nhật Bản đang giơ chân ra hiệu mời chào.
Maneki-neko mô tả một con mèo Bobtail Nhật Bản đang giơ chân ra hiệu mời chào.

Maneki-neko là một bức tượng nhỏ phổ biến của Nhật Bản được cho là mang lại may mắn và tài lộc cho chủ nhân của nó. Thường được làm từ gốm hoặc nhựa, chúng mô tả một con mèo Bobtail Nhật Bản đang giơ chân ra hiệu mời chào.

Bàn chân của nó được thiết kế để có thể di chuyển qua lại theo chuyển động đung đưa. Một số bức tượng thậm chí còn được lắp động cơ để chúng có thể vẫy cả ngày.

Maneki-neko thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh, chẳng hạn như nhà hàng, quán bar và tiệm giặt là, như một cách thu hút sự chú ý và chào mời khách hàng vào bên trong.

Maneki-neko thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh.
Maneki-neko thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh.

Maneki-neko thường được làm theo kiểu dáng đang ngồi và cầm đồng xu koban, một đồng xu vàng hình bầu dục từ thời Edo của Nhật Bản. Trên đồng xu viết chữ "sen man ryou" (千万両), nghĩa là 10 triệu miếng vàng.

Trong văn hóa phương Tây, nếu muốn mời gọi ai đó tiến về phía mình, người ta giơ ngón trỏ lên khum vào bên trong, lòng bàn tay hướng vào cơ thể. Ngón tay di chuyển liên tục (giống như một cái móc). Tuy nhiên, ở Nhật Bản, cử chỉ mời gọi như vậy được thực hiện bằng cách giơ tay, úp lòng bàn tay xuống và liên tục gập các ngón tay.

Đây là lý do tại sao bàn chân của mèo maneki-neko úp xuống. Chân giơ lên có thể là chân trái hoặc chân phải, tùy thuộc vào ý muốn của chủ nhân. Nếu chân trái giơ lên, có nghĩa là maneki-neko đang mời gọi nhiều khách hàng hơn, còn chân phải giơ lên là hàm ý mời gọi sự giàu có và tiền bạc.

Maneki-neko bắt nguồn từ đâu?

Do sự xuất hiện phổ biến ở các khu phố Tàu, maneki-neko thường bị nhầm là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bức tượng được cho là lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thời kỳ Edo ở Nhật Bản.

Nguồn gốc chính xác của bức tượng may mắn này đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng một trong những ghi chép sớm nhất về hình vẽ này xuất hiện trong bản in khắc gỗ ukiyo-e của Utagawa Hiroshige, được thực hiện vào năm 1852. Nó mô tả Marushime-neko, một "biến thể" của maneki-neko, được bày bán tại đền Senso, Tokyo.

Khuôn gỗ làm hình maneki-neko từ thời Edo, thế kỷ 18.
Khuôn gỗ làm hình maneki-neko từ thời Edo, thế kỷ 18.

Vào thời Minh Trị, maneki-neko lại được nhắc đến trong một bài báo năm 1876. Và cũng có bằng chứng cho thấy maneki-neko mặc kimono đã được phân phát tại một ngôi đền ở Osaka trong thời gian này. Và vào năm 1902, một quảng cáo cho maneki-neko chỉ ra rằng bức tượng may mắn này đã trở thành mặt hàng thương mại phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ 20.

Truyền thuyết về con mèo may mắn của Nhật Bản

Trong văn hóa phương Tây, mèo nhà đơn giản là loài thú cưng đáng yêu. Nhưng trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mèo có sức mạnh bảo vệ và tượng trưng cho sự may mắn. Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi maneki-neko được cho là đại diện của sự may mắn.

Bản in khắc gỗ theo phong cách ukiyo-e của Utagawa Hiroshige.
Bản in khắc gỗ theo phong cách ukiyo-e của Utagawa Hiroshige.

Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, vào thế kỷ 17, có một nhà sư nghèo sống trong ngôi đền nhỏ Gōtoku-ji ở Setagaya, Tokyo với con mèo cưng của mình. Họ sống một cuộc sống bình lặng, cho đến một ngày, một lãnh chúa samurai, tên Ii Naotaka của miền Hikone, đến thăm khu vực này.

Khi đang trên đường đi săn, một cơn bão lớn ập đến, vị lãnh chúa phải trú ẩn dưới gốc cây bên ngoài ngôi đền. Khi ở đó, ông ta để ý thấy con mèo của nhà sư giơ một chân lên, có vẻ như đang vẫy chào mời ông vào trong chùa.

Khi lãnh chúa tiến về phía con mèo, một tia sét đánh vào cái cây nơi ông vừa đứng. Naotaka rất biết ơn con mèo đã cứu mạng mình nên đã ra lệnh sẽ bảo trợ cho ngôi đền. Ông giúp sửa chữa, cải tạo, xây thêm không gian sống cho nhà sư nghèo.

Maneki-neko cũng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn của chủ nhân.

Maneki-neko cũng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn của chủ nhân.
Maneki-neko cũng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn của chủ nhân.

Khi con mèo chết, một bức tượng maneki-neko đã được làm để tưởng nhớ cuộc đời của nó, và cho đến tận ngày ngay, ngôi chùa này vẫn được coi là chốn linh thiêng. Và câu chuyện là lý do tại sao nhiều người tin rằng những con mèo vẫy gọi là biểu tượng của sự may mắn.

Giờ đây, tượng maneki-neko có thể được tìm thấy trong các cửa hàng và doanh nghiệp trên khắp Nhật Bản và cả nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm hiểu về sự phát triển của nó qua các thời đại, hãy đến Bảo tàng Nghệ thuật Manekineko ở Okayama. Nơi đây trưng bày bộ sưu tập hơn 700 bức tượng mèo may mắn từ các thời đại trong lịch sử.

Hàng năm, vào tháng 9, Lễ hội Manekineko được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp Nhật Bản. Khi ấy, mọi người đổ ra đường với khuôn mặt được vẽ như mèo.

Vào tháng 9, Lễ hội Manekineko được tổ chức ở nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản.
Vào tháng 9, Lễ hội Manekineko được tổ chức ở nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản.

Ngoài ra còn có một con phố mang tên Phố Manekineko-dori (Phố Mèo vẫy gọi) ở thành phố Tokoname, tỉnh Aichi. Ở đó, có hàng chục bức tượng mèo bằng gốm trang trí trên đường phố. Và tất nhiên, Đền Gōtoku-ji - nơi truyền thuyết về con mèo may mắn bắt đầu - là nơi có hàng trăm bức tượng maneki-neko nhỏ xinh.

Nếu bạn không thể đến Nhật Bản, kể cả ở Mỹ, bạn cũng có thể ghé thăm "Bảo tàng Mèo may mắn" ở thành phố Cincinnati bang Ohio, nơi bạn sẽ tìm thấy hơn 2.000 phiên bản khác nhau của biểu tượng mèo may mắn.

Cập nhật: 25/01/2023 PNVN
  • 52
  • 578