Ngày 4-1, đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae sorok để ứng dụng phòng trừ sâu hại cây trồng” của cô SV Đại học Phương Đông - Lê Thùy Quyên (ảnh) - nhận giải nhất Vifotec 2006.
Ngày 6-1, công trình này lại “đăng quang” ở giải thưởng SV nghiên cứu khoa học (Bộ GD-ĐT). Và cú hattrick đã được lập khi hội đồng Vifotec chọn đó là công trình duy nhất đạt giải đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao tặng huy chương vàng.
Đặc biệt, công trình của Quyên đã có “phần mềm” khá vững chắc khi trước đó, người hướng dẫn của Quyên - PGS.TS Phạm Thị Thùy - đã nghiên cứu ứng dụng nấm Metarhizium trên nhiều loại đất trồng có sâu hại cho kết quả diệt trừ bọ 78% sau một tuần phun... Trong mô hình tối ưu sản xuất nấm của Quyên, một điểm thú vị là khi nấm đã tiêu diệt được bọ hung đen, mối đất, sâu xanh bướm trắng... thì những loại côn trùng có hại này chết đi lại mọc thành nấm Metarhizium, tiếp tục hành trình diệt trừ sâu bệnh.
Để hoàn thành đề tài, gần như cả năm cuối đại học, Quyên phải “đóng” hai vai: một nhà nghiên cứu trẻ và một nông dân “tham công tiếc việc”, ngày nào cũng 7-8 giờ tối mới rời khỏi cây, khỏi nấm. Môi trường lý tưởng để nấm phát triển là nhiệt độ phải nằm trong khoảng 25-30oC, phòng thí nghiệm không có máy điều hòa, vào những ngày hè nắng nóng, nấm không phát triển được, có lúc Quyên tủi thân muốn khóc.
Nhưng rồi Quyên cũng tìm ra cách, những ngày thời tiết thuận lợi (tháng ba đến tháng năm), Quyên làm việc nhiều hơn để sản xuất đủ lượng nấm dùng cho nghiên cứu. “Thật ra Quyên chính là con nhà nòi về sinh học đấy. Bố là giảng viên khoa sinh đại học Sư phạm, bản thân Quyên cũng là học sinh giỏi cấp thành phố môn sinh thời phổ thông...” - PGS.TS Phạm Thị Thùy “bật mí”.
NGỌC HÀ