Lốp cao su hỏng, hiện chất đống dưới đáy các con sông và trong những đống rác trên khắp thế giới, có thể được tận dụng để tạo thành những thiết bị lọc nước lý tưởng, các chuyên gia môi trường Mỹ khẳng định.
Một thiết bị lọc nước dùng trong gia đình. (Ảnh: highspeakswater.com) |
Bộ phận quan trọng nhất của những hệ thống lọc nước phổ biến hiện nay là một hoặc nhiều ống hình trụ đựng cát (hoặc anthracite) có phương thẳng đứng. Cát trong ống được sắp xếp sao cho những hạt to hơn nằm ở trên, còn những hạt nhỏ hơn nằm bên dưới. Hạt càng to thì khoảng trống giữa chúng càng lớn và ngược lại. Nhờ kiểu sắp xếp đó mà những chất độc và bẩn bị giữ lại khi nước, vì một lý do nào đó, bị dội ngược trở lại.
Vấn đề của những hệ thống này, theo Yuefeng Xie, là ở chỗ những khoảng trống giữa các hạt bị bùn bít kín trong vòng vài ngày. Khi đi qua cột cát, nước sẽ đẩy những hạt to xuống dưới. Còn khi nước bị đẩy ngược trở lại, toàn bộ cột cát sẽ bị xáo trộn.
"Những hệ thống như thế được thiết kế để tồn tại tới 20 năm. Nhưng chỉ cần nước bị đẩy ngược lại một lần là chúng sẽ trở nên vô dụng", Xie nhận định.
Hệ thống lọc nước ở một nhà máy tại Mỹ. (Ảnh: highspeakswater) |
Xie và các cộng sự tin rằng nếu thay thế cát hoặc anthracite bằng những mẩu cao su nhỏ, kích thước bề ngang từ 1 tới 2 mm, thì họ có thể tạo nên một thiết bị lọc nước lý tưởng vì chúng có độ nén tốt. Do đó, cho dù được sắp xếp thế nào, những mẩu cao su ở dưới cùng luôn là những mẩu nhỏ nhất vì trọng lượng của cả cột ép chúng xuống dưới.
Xie tuyên bố rằng thiết bị lọc bằng cao su hoạt động nhanh gấp 4 lần so với những sản phẩm lọc nước hiện nay.
Phát hiện của Xie là rất thú vị, Sean Moran, Giám đốc điều hành công ty môi trường Expertise Limited ở Anh, nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng Xie cần phải lưu ý một số điểm: Thứ nhất, bùn có xu hướng "nằm lỳ" trong thiết bị lọc. Moran nghĩ rằng so với cát, cao su dễ bị bùn bám dính hơn. Thứ hai, những mẩu cao su lấy từ lốp cũ có thể giải phóng nhiều hóa chất độc hại vào nước, chẳng hạn như các kim loại nặng.
Việt Linh