Có thể ung thư vì xi đánh giày?

Một số nhà khoa học cho biết, nhiều khả năng trong xi đánh giày trôi nổi có các hợp chất của nitro, một chất độc đối với máu, hệ thần kinh…

Hỏi mua hộp xi đánh giày tại một quầy hàng ở chợ An Đông, TP HCM, chị bán hàng nhanh nhảu: “em dùng hàng mắc hay rẻ?”. Hai hộp xi đánh giày cùng nhãn hiệu Kiwi, nhìn qua chẳng thể phân biệt được sự khác nhau nhưng có giá chênh nhau đến 10.000 đồng.

Tràn lan hàng thiếu nguồn gốc

Xem kỹ hơn, hộp có giá cao (25.000 đồng) có thêm tem phụ của nhà phân phối, nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng và các thành phần các hoạt chất của xi như carnauba Wax, Montana Wax, Microcrystalline Wax & Ester Wax O. Còn hộp xi giá 15.000 đồng thì không có gì ngoài những dòng chữ Thái ngoằn nghèo. 

Hiểm họa ẩn trong xi đánh giày trôi nổi. Ảnh minh họa từ báo Phụ nữ.

Không chỉ có hàng Kiwi giá rẻ này thiếu tem của nhà nhập khẩu, đơn vị phân phối. Tại nhiều sạp hàng có bán xi, chúng tôi tìm thấy các loại mang nhãn hiệu Kine, Klen… đều thiếu tem và không rõ thành phần hóa học của sản phẩm. Hầu hết các loại xi này ở dạng sáp, nước, xi bóng.

Khảo sát tại các chợ Tân Bình, An Đông và một số cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, chúng tôi đều được trả lời hàng cao giá là của Việt Nam, còn hàng rẻ là của Thái Lan, Mỹ, Singapore. Tuy nhiên, theo chị Hằng, chủ sạp hàng P.T, tại chợ An Đông: “tất cả các loại hàng giá rẻ kia đều là hàng trôi nổi từ Trung Quốc nhưng “phủ nhận thành phần xuất xứ” bằng tiếng Thái, tiếng Anh nên… rất khó phân biệt”.

Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng Khoa Hóa, ĐH Bách khoa TP HCM nghi ngờ, trong những sản phẩm trôi nổi này sẽ có hợp chất nitro, chẳng hạn như nitrobenzene, một chất tiền ung thư.

“Những hợp chất của nitro đã bị cấm dùng nhưng để giảm giá thành nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng kém chất lượng vẫn sử dụng vì hợp chất của nitro dễ tạo màu, phối màu đẹp, và bắt màu lâu hơn, bền hơn”, tiến sĩ Quân nhấn mạnh.

Độc với máu, hệ thần kinh

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, nitrobenzen là chất lỏng có màu vàng nhạt, có mùi đặc trưng của dầu hạnh nhân. Là dung môi dùng rất nhiều trong tổng hợp hữu cơ.

Nitrobezen là hợp chất cực độc, nhất là với máu, hệ thần kinh. Hít thở trong thời gian ngắn một lượng lớn nitrobenzen sẽ nhanh chóng đưa đến mất cảm giác, có hiện tượng tê liệt, chóng mặt, nôn mửa, phá hoại hệ thần kinh. Khi cơ thể bị tác dụng lâu dài của nitrobezen thì da bị xanh xám, rất dễ gây ung thư.

Thạc sĩ Nguyệt cho rằng, trong xi đánh giày có thể có nitrobenzen vì thấy dẫn xuất có màu nâu sẫm. Giáo sư Trần Văn Sung, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định: “về lâu dài, nitrobenzen có thể gây ung thư”.

Nhưng điều nguy hại là hợp chất này dễ dàng gây hại thông qua sự tiếp xúc với da, đường hô hấp. Vì thế, cũng như giáo sư Sung, tiến sĩ Phạm Thành Quân lo lắng những trẻ em đánh giày bị dính bết bởi những loại xi có pha các hợp chất của nitro.

“Xi đánh giày có hợp chất của nitro, nếu bết vào da sẽ rất lâu phai, như thể chúng ta đi nhuộm da vậy. Còn hít lâu dài những loại xi này sẽ ảnh hưởng lên hệ thần kinh. Chúng rất độc hại đối với sức khỏe con người”, tiến sĩ Quân nói.

Nitrobenzen là chất lỏng, khó bay hơi nếu pha vào xi đánh giày, nó có tác dụng làm chậm bay hơi, làm sạch, bóng giày lâu. Nhưng cũng khá dễ để nhận biết xi đánh giày có pha hợp chất này. “Sản phẩm xi đánh giày có sử dụng chất nitrobenzen thường có màu vàng, mùi hắc”. Thông thường, hợp chất này thường dùng để phối màu, tạo thành những xi màu nâu, xi màu cao và thi thoảng có dùng để tạo xi màu đen. 

Chưa có tiêu chuẩn cho xi đánh giày 

Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng ban Đánh giá sự phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho biết, trong số trên 6.000 Tiêu chuẩn Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm xi đánh giày. Tuy nhiên, theo Hệ thống tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS), chất nitrobenzen không có trong danh mục hoạt chất có trong xi đánh giày.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video