Coi chừng viêm amiđan

Thời tiết lạnh là điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây viêm amiđan hoạt động mạnh. Tại phòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ người bị viêm amiđan chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân đến khám (tăng từ 3 đến 5 lần so với trước đây).

Đáng lưu ý là trong thời gian này, số lượng bệnh nhân bị áp xe amiđan gây tổn thương vùng họng, thanh quản, khí quản nhiều hơn và nặng hơn.

Đau họng, sốt nhẹ, nhức mỏi…có thể bị viêm amiđan

Viêm amiđan là bệnh lý thường gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Viêm amiđan thường biểu hiện qua những triệu chứng như: người bệnh thấy đau họng - cảm giác nuốt vướng hoặc khó nuốt, sốt nhẹ, uể oải, nhức mỏi toàn thân, hơi thở hôi, nhức đầu, một số trường hợp có cảm giác căng ở vùng dưới cằm do viêm hạch dưới hàm và gây đau.

Khác với viêm họng, viêm amiđan khi khám thường thấy lớp lót trong họng đỏ, đặc biệt amiđan hai bên sưng lớn, đôi khi không lớn nhưng nuốt vướng vì có những chấm trắng giống chất bã đậu bám nhiều trên amiđan.

Ở trẻ em, viêm amiđan có thể gây viêm nội mạc cơ tim và cũng có thể gây viêm khớp với tỷ lệ thấp. Ở người lớn thường là áp xe amiđan, áp xe quanh amiđan thậm chí áp xe luồn xuống cổ, hiếm hơn mủ từ amiđan có thể chui xuống cổ vào trong ngực gây mủ vùng quanh tim rất nguy hiểm.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây bệnh là do vi trùng, siêu vi trùng hoặc cả hai. Trong đó, các loại vi trùng gây viêm amiđan thường là: liên cầu trùng nhóm A của Streptococci (GABHS) với tỷ lệ chiếm trên 40% các trường hợp ở người lớn và trên 75% ở trẻ em; ngoài ra còn có thêm các loại khác như Staphylococcus, Moraxella catarrhalis, Hemophilus Influenza, Mycoplasma pneumonia... cũng chiếm với tỷ lệ khoảng trên 10%.

Bên cạnh vi trùng, người ta cũng phát hiện thấy có khoảng 10 loại siêu vi trùng khác nhau gây viêm amiđan. Trong số đó có 3 loại siêu vi trùng thường hay gặp hơn cả (chiếm 10%-20%) đó là Adenovirus, Rhinovirus và EpsteinBar virus.

Kiêng ăn chất cay, nóng, chua… sau khi phẫu thuật

Hiện nay, có hai phương pháp điều trị viêm amiđan là: điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật cắt amiđan. Trong đó, phương pháp chủ yếu vẫn là nội khoa với thuốc giảm đau và kháng sinh nếu do vi trùng, vì nó không xâm lấn, an toàn.

Thuốc thường dùng thuộc nhóm Beta-lactam như Penicilin V dưới dạng chích bắp, uống hoặc chích Amoxicilline + clavulanic acid (Augmentin, Amoxiklav…)... hoặc các thuốc thuộc thế hệ mới của nhóm Cephalosporin như Cefuroxime (Zinnat, Zinnacep...), Cefaclor (Ceclor), thuốc của nhóm Macrolides (Zitromax, Claritron...) cũng rất hiệu quả nếu dùng với liều 2 lần/ngày, dùng trong 10-14 ngày/đợt ở người lớn, ở trẻ em cũng nên dùng uống với khoảng thời gian trên... Ngoài ra cần nghỉ ngơi, dùng thuốc súc họng, súc nước muối ấm lạt.

Tuy nhiên, khi phương pháp dùng thuốc bị thất bại hoặc ở các trường hợp viêm cấp amiđan nhiều đợt trong năm (4-6 đợt, mỗi đợt kéo dài trên 2 tuần) hoặc đã ít nhất một lần amiđan bị mủ ở bên trong (áp xe), viêm amiđan sưng quá to gây khó thở hoặc khó nuốt ở trẻ em... người ta có thể dùng phương pháp phẫu thuật cắt amiđan theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Hiện nay cắt amiđan thường được thực hiện với gây mê vì ưu thế hơn hẳn so với cắt gây tê, tỷ lệ cắt amiđan gây mê ở Singapore, Mỹ là 100%. Điều đáng lưu ý là phẫu thuật cắt amiđan là một sự xâm lấn, do đó người bệnh cần tuân thủ chế độ săn sóc đúng yêu cầu của bác sĩ để tránh gây tổn thương đến vết thương.

Thông thường sau cắt amiđan bệnh nhân ở lại BV 1 đêm và hôm sau xuất viện. Gặp trường hợp chảy máu sau cắt, phải ở lại thêm 1-2 ngày. Hiếm hơn, có một số người bị chảy máu sau mổ đến ngày thứ 7-10 do bị “bong mày” tại hố mổ amiđan, nếu xảy ra nên trở lại nơi cắt hoặc BV gần nhất để cầm máu.

Không cữ nói sau khi cắt, nói ngay sau cắt 1 ngày để tránh sẹo co kéo của các cơ vùng họng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói về sau. Nên kiêng cữ những món ăn theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị, cụ thể là những chất chua, cay, cứng và nóng từ 10-14 ngày. Không nên đến những chỗ đông người như siêu thị, rạp hát, hội chợ.

Trong 1-2 tuần đầu sau mổ, rất dễ nhiễm trùng đường hô hấp từ người khác vì cơ thể người cắt amiđan vẫn “chưa mạnh”. Uống nhiều nước, ăn hoặc uống những loại nước giàu chất dinh dưỡng như nước trái cây, sữa, súp. Không hút thuốc lá hoặc uống rượu, bia vì rất dễ gây kích thích và ho, không tốt cho sự phục hồi “lớp lót” của họng sau mổ. Thông thường nếu không bị chảy máu sau mổ thì sau một tuần bệnh nhân có thể trở lại với công việc, học hành bình thường của mình.

Theo BS NGUYỄN TRỌNG MINH (BV Chợ Rẫy)

Theo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video