Bác sĩ Lê Bạch Lan, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện (BV) cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM, cảnh báo hiện nay việc lạm dụng corticoid trong điều trị rất đáng báo động.
Bác sĩ Lê Bạch Lan đang khám cho bệnh nhân Trần Thị Rẽ (Ảnh: L.TH.H) |
BS Lê Bạch Lan cho biết ngày 8-6, tại khoa có bệnh nhân (BN) Trần Thị Rẽ (76 tuổi, Củ Chi, TP.HCM) có biểu hiện rất rõ của tác dụng phụ do thuốc corticoid gây ra: mặt “trăng rằm” do cơ thể bị giữ muối, nước nhưng chân tay lại khẳng khiu, teo tóp.
BS Bạch Lan nói corticoid là thuốc cần thiết trong y khoa, nhưng sử dụng có chỉ định chặt chẽ, theo dõi sát và giảm dần liều, không được dùng kéo dài. Corticoid có tác dụng kháng viêm rất tốt, dùng trong điều trị bệnh viêm khớp không đáp ứng với những loại thuốc khác, bệnh lý tai mũi họng; hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra, corticoid còn dùng để điều trị ức chế miễn dịch, bệnh lupus đỏ, bệnh lý huyết học...
BS Lê Bạch Lan khuyên khi mắc bệnh tốt nhất BN hãy đến BV khám bệnh. Không nên ra nhà thuốc, tiệm tạp hóa mua thuốc về điều trị, khi BS cho toa cần quay lại tái khám theo hẹn, không nên lấy toa cũ đi mua về dùng tiếp. |
BS Bạch Lan cảnh báo việc lạm dụng corticoid trong điều trị rất đáng báo động. Nguyên nhân là do một số bệnh nhân - nhất là ở ngoại thành - bị bệnh đau nhức mãn tính, viêm khớp, suyễn... tự ra nhà thuốc, thậm chí tiệm tạp hóa để mua thuốc uống. Người bán không có chuyên môn nhưng vẫn bán corticoid. Người mua thấy corticoid giống như “thần dược”, uống vào “épphê” ngay nên lại mua tiếp.
Ngoài ra, không ít BN có thói quen sai lầm là không đi tái khám theo hẹn mà lấy toa thuốc cũ của BS chỉ định lần trước đi mua về uống. Có BN lại hay đến “thầy lang” mua thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc về uống hoài, vì thấy uống thuốc vào bớt hẳn đau nhức, ăn được, ngủ được, tăng cân, mà hoàn toàn không biết những thuốc đó có pha trộn corticoid.
BS Bạch Lan nói mỗi tháng tại khoa nội tổng hợp có 5-6 BN có triệu chứng của lạm dụng thuốc corticoid, có thể nhận biết qua một số biểu hiện bên ngoài như mặt phính căng tròn, đỏ, người rất mập nhưng chân tay teo nhỏ, trên da có vết rạn nứt và xuất huyết dưới da.
Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như gây tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương bệnh lý (chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có thể gãy xương ), làm giảm sức đề kháng của cơ thể, BN có thể bị nhiễm trùng rất nặng mà thuốc kháng sinh không thể giúp điều trị khỏi.
BV cũng thường gặp những BN bị “hội chứng thiếu thuốc” corticoid, với các biểu hiện ói mửa dữ dội, tiêu chảy, không ăn được. Thường chỉ cần dùng thuốc này kéo dài từ ba tuần trở lên là đã có thể bị lệ thuộc thuốc. Có trường hợp BN không thể “cai” thuốc corticoid được mà phải dùng suốt đời.
LÊ THANH HÀ ghi