Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ là các loài gặm nhấm và linh trưởng. WHO cho rằng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với các loài hoang dã, đặc biệt là động vật bệnh hoặc đã chết, nếu không sử dụng biện pháp bảo hộ cá nhân. Ở các nước có virus lưu hành, người dân cần nấu chín kỹ thịt hoặc nội tạng của động vật trước khi ăn.
Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, chẳng hạn nói chuyện đối mặt, da kề da, miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Các nhà khoa học chưa xác định được bệnh có thể lây truyền trong bao lâu, nhưng nói chung người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác đến khi toàn bộ vết thương đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới.
Virus cũng có thể lưu lại khi người bệnh chạm vào quần áo, ga, gối, khăn mặt, các đồ vật, dụng cụ ăn như bát đĩa, xoong chảo, đồ điện tử hoặc các bề mặt. Người khác chạm vào những đồ vật này cũng bị nhiễm virus. Mọi người cũng có thể lây virus khi hít phải vảy da tróc ra từ người bệnh vướng vào quần áo, ga gối hoặc khăn mặt. Cơ chế này được gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite).
Vết loét, tổn thương trong miệng cũng có nguy cơ lây nhiễm. Virus phát tán qua tiếp xúc trực tiếp đường miệng, giọt bắn hô hấp, bụi khí (aoresol) phạm vi gần. Theo WHO, các nhà khoa học chưa thể hiểu hết về cơ chế lây truyền qua không khí của bệnh đậu mùa khỉ, cần nghiên cứu thêm.
Virus cũng có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi, từ mẹ sang trẻ sơ sinh qua tiếp xúc da kề da, từ cha mẹ sang trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.
Hình ảnh 3D mô phỏng virus đậu mùa khỉ. (Ảnh: WHO).
WHO đã ghi nhận các ca đậu mùa khỉ không triệu chứng, tuy nhiên các nhà khoa học chưa rõ liệu những bệnh nhân này có làm lây lan virus hay không. Các mẫu DNA từ virus đã được tìm thấy trong tinh dịch, nhưng giới chuyên gia chưa rõ bệnh có truyền qua đường tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hay máu không. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để làm rõ điều này.
Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ không giới hạn ở những người quan hệ tình dục thường xuyên hoặc đàn ông quan hệ tình dục đồng giới. Bất cứ ai tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh đều có khả năng mắc bệnh.
Nhiều trường hợp báo cáo được xác định ở nam quan hệ tình dục đồng giới. Với thực tế virus lây lan qua các mối quan hệ xã hội, đàn ông quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn nếu tiếp xúc với người bệnh.
Một số trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được xác định ở các phòng khám sức khỏe tình dục. Theo WHO, các ca bệnh được báo cáo nhiều trong cộng đồng quan hệ tình dục đồng giới nam là do nhóm này khám sức khỏe thường xuyên hơn. Các nốt ban của bệnh đậu mùa khỉ giống với một số bệnh lây qua đường tình dục như herpes và giang mai, có thể gây nhầm lẫn.
WHO khuyến khích cộng đồng đồng tính nam, song tính và nam quan hệ tình dục đồng giới khác nâng cao nhận thức để bảo vệ những người có nguy cơ cao.
Hiện WHO chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ lây từ người sang động vật, song đây vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn. Người mắc bệnh hoặc nghi nhiễm virus cần tránh tiếp xúc gần với động vật, bao gồm thú cưng (như mèo, chó, chuột hamster...).