Con người có thể sống dưới lòng đất để "trốn" biến đổi khí hậu?

Sống trong lòng đất liệu có phải là giải pháp khả thi để đối phó với một cuộc khủng hoảng khí hậu đang tới gần?

Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), tháng 7/2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, với nhiều kỷ lục bị phá vỡ.


Bảo tàng dưới lòng đất ở Coober Pedy. (Ảnh: Getty).

Với cái nóng như thiêu đốt, chúng ta cuối cùng cũng nhận ra những hậu quả khủng khiếp của việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính, khiến môi trường bị biến đổi và mọi thứ trở nên tồi tệ.

Trong lúc các nhà khoa học đang chuẩn bị cho những kịch bản tiếp theo nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, thì một ý tưởng đã được đưa ra.

Đó là dường như đã đến lúc nhân loại xem xét tới việc thích nghi với những môi trường sống khác, chẳng hạn dưới lòng đất.

Được bao quanh bởi khối lượng đất đá với khả năng hấp thụ và giữ nhiệt, môi trường dưới lòng đất có thể duy trì nhiệt độ ổn định hơn rất nhiều so với trên bề mặt, mà không cần phải dựa vào điều hòa hay các hệ thống sưởi tốn nhiều năng lượng.

Thế nhưng, đây có phải là một giải pháp khả thi để đối phó với một cuộc khủng hoảng khí hậu đang tới gần?

Nhiều vấn đề sẽ phải giải quyết

Trong khi hầu hết mọi người đều sẵn sàng chuyển xuống sinh sống dưới lòng đất trong một khoảng thời gian ngắn, thì ý tưởng về một cuộc sống vĩnh viễn nơi đây dường như khó chấp nhận hơn.

"Chúng ta không thuộc về nơi đó. Về mặt sinh học, sinh lý học, cơ thể chúng ta không được thiết kế cho cuộc sống dưới lòng đất", Will Hunt, tác giả cuốn sách lấy chủ đề về thế giới ngầm, cho biết.


Con người có thể sống trong các thành phố dưới lòng đất? (Ảnh: Wikipedia).

Trên thực tế, con người sống dưới lòng đất quá lâu mà không tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời có thể làm gián đoạn nhịp sinh học, khiến giấc ngủ của chúng ta có thể kéo dài tới 30 giờ mỗi lần.

Bên cạnh đó, nó có thể gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý.

Một rủi ro khác đối với cuộc sống dưới lòng đất là lũ quét, dẫn tới sạt lở. Đây là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại khi biến đổi khí hậu hứa hẹn sẽ mang đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.

Trở lại yếu tố về nhiệt độ. Một nghiên cứu tại khu thương mại Chicago Loop cho thấy nhiệt độ dưới lòng đất đã tăng lên đáng kể từ những năm 1950 do có nhiều cơ sở hạ tầng tạo nhiệt được xây dựng trong cùng khu vực, như bến đỗ xe, xe lửa và tầng hầm.

Rõ ràng, nhiệt độ dưới lòng đất cũng bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra trên mặt đất, nên chúng ta cũng không hẳn đã an toàn khi chọn đây làm nơi trú ẩn mới.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng sự gia tăng nhiệt độ có thể khiến Trái đất giãn nở tới 12 mm, từ đó gây ra những hư hỏng cấu trúc cho các công trình dưới lòng đất.

Làm sao xây dựng thành phố kiểu mẫu dưới lòng đất?


Ý tưởng về earthscraper, một thiết kế ngược lại của các tòa nhà chọc trời. (Ảnh: Wikipedia).

Chúng ta dùng từ "skyscraper" để nói về các tòa nhà chọc trời. Thế nhưng nếu lộn ngược các tòa nhà này và đưa chúng xuống lòng đất, ta sẽ có khái niệm mới là "earthscraper".

Trên thực tế, mô hình này đã có từ rất lâu. Người tiền sử đã sống trong những hang động sâu tới hàng trăm mét dưới lòng đất, trước khi bắt đầu xây dựng những túp lều đầu tiên trên mặt đất.

Trong cuốn sách "Civilizaciones bajo tierra" xuất bản năm 2017, tác giả Juan José Revenga đề cập tới thành phố ngầm Derinkuyu, nơi có khoảng 20 tầng ngầm, đảm bảo chỗ ở cho hàng trăm người.

Theo Ferrovial, sở dĩ tới nay chưa ai xây dựng nên các công trình tương tự không phải vì chúng ta không thể, mà bởi chưa có nhu cầu từ thực tế.

Dẫu vậy, bài viết về "Đánh giá về công trình ngầm hướng tới hiệu quả năng lượng nhiệt và phát triển bền vững", xuất bản năm 2015, lại đề cao tính hiệu quả của các thành phố ngầm.

Theo đó, các công trình dưới lòng đất có thể giúp xây dựng nên các thành phố sạch hơn ngay cả khi chỉ tính đến tác động của kiểm soát khí hậu, vốn chiếm gần 40% khí nhà kính. Có vẻ như sống dưới lòng đất cũng có những lợi thế nhất định.


Một góc thành phố ngầm Réso. (Ảnh: Wordpress).

Theo các nhà khoa học, để môi trường dưới lòng đất được mọi người chấp nhận, chúng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố an toàn, có ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt và mang lại cảm giác kết nối với thế giới bên trên.

Réso - thành phố ngầm dài 32km tại Montreal, Canada gồm các trung tâm mua sắm, văn phòng, khách sạn và trường học - là hiện thân của lý tưởng này. Khu phức hợp dưới lòng đất đóng vai trò kết nối các tòa nhà để mọi người có thể tránh được nhiệt độ thấp hơn 0 độ C bên ngoài.

Theo thống kê chính thức, mạng lưới bên dưới Réso gồm 10 ga tàu điện ngầm, 2 bến xe buýt, 1.200 văn phòng, khoảng 2.000 cửa hàng, bách hóa lớn, khoảng 1.600 khu nhà ở, 200 nhà hàng, 40 ngân hàng, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác.

Trong năm 2023, biến đổi khí hậu đã khiến một số vùng của Iran, Pakistan và Ấn Độ trở nên nóng đến mức nguy hiểm cho tính mạng của con người.

Nếu hành tinh của chúng ta tiếp tục "sục sôi", biết đâu trong một vài năm tới, con người sẽ nghiêm túc xem xét tới việc xây dựng các khu đô thị dưới lòng đất thay vì các tòa nhà chọc trời?

Cập nhật: 23/08/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video