Con người có thể sống lâu hơn tới 10 lần?

Đã có những bằng chứng cho thấy sự lão hóa có thể không phải một đặc điểm cố hữu của mọi sinh vật, mà là sản phẩm của quá trình tiến hóa của các loài trong môi trường tự nhiên. Chính sự tiến hóa đó có thể “lập trình” sự sống và cái chết cho mọi loài sinh vật, kể cả con người.

Có cách giúp con người sống lâu hơn tới 10 lần?

Trong tự nhiên, có rất nhiều loài sẽ chết ngay lập tức sau khi đẻ trứng như bạch tuộc cái hay lại không thể bị lão hóa như cá sấu. Vậy giữa chúng có điểm gì chung? Đây chính là bằng chứng cho thấy sự lão hóa có thể không phải một đặc điểm cố hữu của mọi sinh vật, mà là sản phẩm của quá trình tiến hóa của các loài trong môi trường tự nhiên. Chính sự tiến hóa đó có thể “lập trình” sự sống và cái chết cho mọi loài sinh vật, kể cả con người.

Ý kiến gây tranh cãi này được đưa ra bởi nhóm 3 nhà khoa học gồm Yaneer Bar-Yam, người đứng đầu Viện nghiên cứu NECSI; Donald E. Ingber, giám đốc sáng lập của Viện nghiên cứu Wyss Harvard về Cấu trúc Sinh học và Justin Werfel, nhà nghiên cứu tự do. Tác phẩm mới của nhóm nghiên cứu vừa được xuất bản, trong đó nổi bật lên một lập luận rằng: Các quan niệm về quá trình tiến hóa sinh học cơ bản hiện nay là hoàn toàn sai lầm.


Về mặt sinh học, cá sấu được xem là loài bất tử.

Ông Yaneer Bar-Yam đưa ra nhận định, “Theo lý thuyết truyền thống, sự tiến hóa sẽ luôn luôn hướng tới vòng đời dài nhất cho mỗi cá thể. Về mặt sinh học mà nói, những gì con người đang trải qua chính là vòng đời dài nhất nhờ tiến hóa tự nhiên. Theo lý thuyết cũ đó, chúng ta chỉ có thể rút ngắn tuổi thọ con người mà không thể kéo dài được”.

Nhưng sẽ ra sao nếu vòng đời của sinh vật – bao gồm con người – không nhất thiết phụ thuộc vào trí khôn để tồn tại, mà phụ thuộc vào quá trình tiến hóa? (Dựa trên lượng tài nguyên có sẵn cho một số dân nhất định cùng khả năng sinh sản của các thành viên trong cộng đồng). Điều gì sẽ xảy ra nếu “chết không phải là hết”, mà chính là một biện pháp để đảm bảo thế hệ sinh vật đó sẽ không… ăn mòn mọi nguồn tài nguyên trên hành tinh, nhằm giữ nguyên cân bằng sinh thái?

Bar-Yam cho biết, nếu chu trình tiến hóa xác định được tuổi thọ của con người, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi điều đó bằng cách can thiệp vào cơ chế sinh học đang kiểm soát vòng đời con người. Giả dụ, một con bạch tuộc sẽ chết ngay sau khi sinh nở xong. Nhưng nếu loại bỏ các tuyến trong cơ thể, con bạch tuộc sẽ lại tiếp tục sống. Lúc này, cái chết chỉ như một “chế độ” được kích hoạt bởi một hệ thống trong cơ thể, trái ngược hoàn toàn với quan niệm vốn có.


Tương lai "trường sinh bất lão" của loài người sẽ còn bao xa?

Ông tiếp tục: “Theo nhiều nghiên cứu, cá sấu được kết luận là loài bất tử hay không thể lão hóa. Ở nhiều loài động vật, mỗi cá thể lại sở hữu một vòng đời khác nhau. Ví dụ tiêu biểu như loài cá quân: một vài con cá có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm, trong khi nhiều con khác chỉ sống được một vài năm mặc dù có sự tương đồng đáng kể về mặt di truyền." Theo Bar-Yam, tất cả những điều này chính là bằng chứng cho thấy sự lão hóa không phải một cơ chế cố hữu, mà chính là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi tiến hóa.

Vậy điều gì khiến các nhà nghiên cứu có thể kết luận như vậy? Tại sao các mô hình trước đây được sử dụng để mô tả sự tiến hóa lại đi đến nhiều kết luận hoàn toàn khác nhau?

Đại học Harvard đã kết hợp với Viện nghiên cứu NECSI nhằm đưa ra một mô hình mới chính xác hơn về cách các loài sinh vật tương tác với các nguồn tài nguyên tự nhiên để tồn tại. Kết quả thu được khá thú vị. Trong bài báo cáo, họ đưa ra nhận định rằng sự bất đồng giữa nguồn tài nguyên có hạn với cơ cấu dân số tự phát sẽ là một yếu tố mang tính quyết định tới giới hạn tuổi thọ của con người. Nói cách khác, với thực tế vốn tài nguyên có hạn cùng sự đấu tranh sinh tồn khốc liệt giữa con người đang ngày một gia tăng, hệ quả là vòng đời của nhân loại sẽ ngày một ngắn hơn.


Vòng đời của con người sẽ có nhiều chuyển biến nhờ sự tác động của các loại dược liệu giúp kéo dài tuổi thọ.

Bar-Yam đưa ra quan điểm, “Nếu tác động của một sinh vật khiến cho môi trường trở nên tệ hơn, khả năng cao là sinh vật đó sẽ không trực tiếp gánh chịu hậu quả mà là chính các thế hệ sau của loài đó. Điều này có sự liên quan đáng kinh ngạc với cách tổ chức xã hội của con người hiện nay. Cụ thể, con người sẽ "bóc lột" thiên nhiên ở mức nhiều nhất có thể, và chính việc đó sẽ tác động không nhỏ tới vòng đời tiến hóa của nhân loại. Nếu tất cả chúng ta đều có cùng một môi trường sống, việc sống lâu hơn sẽ khiến con người sinh sản nhiều hơn. Nhưng việc lượng người cứ ngày một gia tăng trong khi các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt sẽ đẩy nhân loại đến với nguy cơ không thể duy trì sự sống”.

Từ đây mọi thứ dần trở nên thú vị hơn. Bar-Yam tin rằng, giả thiết mới này của ông cho thấy con người có thể sống lâu hơn rất nhiều so với hiện tại. Ông cho biết, quá trình lão hóa vốn không phải cố hữu mà là do di truyền. Triển vọng cho đời sống “trường sinh bất lão” của con người thực chất không hề bất khả thi. Tuy nhiên, nhân loại cần làm rõ nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này, rằng tại sao đến giờ chúng ta mới biết điều đó? Tại sao khoa học luôn cho rằng tuổi thọ của con người luôn bị giới hạn? Câu trả lời là bởi điều này dựa trên một quan niệm đã tồn tại quá lâu trong khi thực chất hoàn toàn không có giá trị. Nếu quan niệm xưa cũ này chính là yếu tố khiến khoa học bấy lâu nay luôn phủ nhận triển vọng của một cuộc sống “bất tử”, tốt nhất là chúng ta nên quay đầu lại và hoan nghênh những phương án thay thế mới và khả thi hơn.


Trong tương lai, "sống lâu trăm tuổi" có thể sẽ không phải điều quá khó khăn và hiếm thấy.

Bar-Yam nêu ra một vài giả thiết, và kết luận rằng phát hiện của ông sẽ không chỉ giúp con người sống lâu hơn, mà còn khiến tuổi thọ nhân loại kéo dài gấp 5 đến 10 lần. Ông nói: “Chẳng có bất kỳ một lý do gì khiến chúng ta phải chấp nhận rằng tuổi thọ của con người là có giới hạn. Chúng tôi đã có những minh chứng khoa học về đột biến kéo dài tuổi thọ thêm 5 hoặc 10 lần ở loài giun tròn. Bên cạnh đó, nhiều loài động vật không xảy ra quá trình lão hóa rõ ràng, hứa hẹn một triển vọng mới trong việc tái tạo quá trình “bất tử” cho chính con người”.

Ông còn cho biết, mặc dù quá trình lão hóa vốn là do di truyền nhưng điều này không có nghĩa khoa học không thể can thiệp bằng các yếu tố bên ngoài như vitamin, thuốc hay các dược liệu nói chung. Vào năm ngoái, một nghiên cứu công bố trên Science cho thấy khi “yếu tố tăng trưởng” protein GDF11 được truyền vào đàn chuột già, chất này sẽ có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa. Chính điều này khiến tuổi già bị “gán mác” là một loại bệnh mới. Cũng có rất nhiều nghiên cứu về telomere (một mảng DNA ở phần cuối của nhiễm sắc thể) được cho là có liên quan đến sự suy giảm nhiễm sắc thể. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford cho thấy phần mở rộng 2 đầu mút của telomere đã "đảo ngược chiều" lão hóa trong các tế bào sống của con người.


Đã có thuốc giúp kéo dài tuổi thọ?

Còn một câu hỏi lớn luôn hiện hữu, rằng nếu tiến hóa là điều bất khả kháng, đồng nghĩa với việc vòng đời của chúng ta sẽ ngắn hơn? Nếu như ai cũng bất tử, liệu rằng đó chính là con đường đưa nhân loại đến gần hơn với nguy cơ “siêu” bùng nổ dân số và tiêu dùng ngay tại hành tinh vốn đã rất chật chội này? Tuy nhiên, Bar-Yam lại không có chung suy nghĩ. Ông thừa nhận rằng hiện nay, cách chúng ta phân bổ các nguồn tài nguyên hiện đang thiếu công bằng một cách trầm trọng. Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ lương thực để “thoải mái” nuôi sống toàn bộ dân số nếu con người không tham gia vào những hoạt động “tự giết chính mình” như đốt lương thực làm nhiên liệu sinh học như hiện nay.

Bar-Yam nhận định, “Nếu có ý định kéo dài tuổi thọ của bản thân, chúng ta sẽ phải đảm bảo có trách nhiệm trong việc giữ gìn các nguồn tài nguyên sẵn có. Nếu khoa học khám phá ra cách khiến con người có thể sống hàng trăm năm, chúng ta sẽ buộc phải giải quyết nhiều vấn đề không hề nhỏ nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt tài nguyên của Trái đất.”

Theo genK.vn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video