Các nhà khoa học mới đây cảnh báo rằng con người có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chưa được khám phá hết.
Theo đó, trong một phân tích về nguy cơ tuyệt chủng của loài người, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo rằng đó là nguy hiểm chưa được khám phá hết. Phân tích mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences và cũng đã được hàng chục nhà khoa học xem xét.
Các chuyên gia gọi thảm hoạ này là "hồi kết của khí hậu". Dù khả năng xảy ra nhỏ nhưng do sự không chắc chắn về lượng khí thải trong tương lai cùng hệ thống khí hậu nên không thể loại trừ viễn cảnh con người phải đối mặt với trận đại hồng thuỷ.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, đối mặt với một tương lai gia tăng tốc độ về biến đổi khí hậu thì có nhiều lý do để nghi ngờ về việc nóng lên toàn cầu có thể dẫn tới thảm hoạ tận thế.
Chính vì thế, nhóm các chuyên gia quốc tế cho rằng thế giới cần phải bắt đầu chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc chiến khí hậu. Theo các chuyên gia, tiến hành phân tích những cơ chế gây ra những hậu quả cực đoan này có thể giúp thúc đẩy hành động và cải thiện khả năng phục hồi, đồng thời cung cấp thông tin cho chính sách.
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ hoả hoạn. (Ảnh: Getty Images)
Trong phân tích mới này, các nhà khoa học cũng đề xuất về một chương trình nghiên cứu, bao gồm 4 vấn đề chính mà họ gọi là "4 kỵ sĩ" trong hồi kết của khí hậu, bao gồm: nạn đói, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh, bệnh tật.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã tiến hành kêu gọi Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra một báo cáo đặc biệt về vấn đề này.
Tiến sĩ Luke Kemp tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh của Đại học Cambridge, người đứng đầu phân tích, chia sẻ: "Có rất nhiều lý do để tin rằng biến đổi khí hậu có thể trở thành thảm hoạ, ngay cả khi nhiệt độ mà Trái đất nóng lên ở trong một phạm vi nhỏ".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, thực tế chứng minh rằng biến đổi khí hậu đã đóng một vai trò nhất định trong mọi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố dẫn tới các đế chế sụp đổ và định hình lịch sử.
Những con đường dẫn đến thảm hoạ không chỉ giới hạn ở những tác động trực tiếp của nhiệt độ cao, chẳng hạn như các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài ra, phản ứng dây chuyền như khủng hoảng tài chính, xung đột và bùng phát dịch bệnh mới có thể gây ra các thảm hoạ khác.
Thế nhưng, phân tích của các nhà khoa học khí hậu cũng chỉ ra rằng, hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt quá 3 độ C vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng và có rất ít ước tính định lượng về tổng tác động.
Các nhà khoa học cho biết, việc đánh giá rủi ro kỹ lưỡng sẽ xem xét về cách rủi ro lan truyền, tương tác với nhau và khuếch đại như thế nào. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện. Chẳng hạn, đánh giá về một cơn lốc xoáy phá huỷ cơ sở hạ tầng điện có thể khiến con người dễ bị tổn thương do đợt nắng nóng chết người xảy ra sau đó.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có vấn đề đặc biệt cần được quan tâm đó là điểm tới hạn ở trong hệ thống khí hậu. Vậy, điểm giới hạn là gì?
Theo các chuyên gia, điểm tới hạn chính là thời điểm mà sinh thái, khí hậu… bị thay đổi đến mức không thể đảo ngược, ngay cả khi con người lúc đó không tàn phá môi trường hay gia tăng lượng khí thải carbon. Chẳng hạn, nếu vượt qua điểm tới hạn, nơi hấp thu khí carbon khổng lồ của Trái đất như rừng nhiệt đới Amazon, cũng có thể phải chịu hạn hán và hoả hoạn lớn.
Con người đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai vì biến đổi khí hậu. (Ảnh: Getty Images)
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, những điểm tới hạn có thể dẫn đến hiệu ứng domino, đồng thời kích hoạt những điểm khác. Trên thực tế, một số vẫn còn chưa được nghiên cứu rõ ràng, chẳng hạn như sự biến mất đột ngột của mây tầng tích có thể khiến nhiệt độ của Trái đất ấm lên thêm 8 độ C.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn đưa ra cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương như thiếu nước, mất mùa và nghèo đói; hoặc kích hoạt những nguy cơ thảm hoạ khác, như đại dịch, chiến tranh quốc tế.
Phân tích của các chuyên gia cũng chỉ ra một ngày nào đó, các siêu cường quốc có thể nảy sinh xung đột về kế hoạch geoengineering (tức thuật ngữ mới để chỉ các ý tưởng về làm mát Trái đất bằng những kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu), hoặc quyền phát thải carbon.
Do đó, nếu tình trạng "mong manh" hiện tại không được cải thiện đáng kể trong những thập kỷ tới thì một vành đai bất ổn với khả năng phân chia nghiêm trọng có thể xảy ra.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng đối với sự sụp đổ hoặc biến đổi của nhiều xã hội trước đây, và đặc biệt là trong 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của lịch sử Trái đất.
Đáng lưu ý, mô hình mới trong phân tích này cho thấy nhiệt độ cực cao (được định nghĩa là nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29 độ C) có thể ảnh hưởng đến 2 tỷ người vào năm 2070, nếu lượng khí thải carbon vấn tiếp tục gia tăng như hiện nay.
Theo nhà nghiên cứu Chi Xu tại ĐH Nam Kinh, Trung Quốc: "Nhiệt độ cao như vậy đang ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người tại Sahara và vùng Duyên hải Vịnh Mexico".
Dự báo "kịch bản" cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái đất
Mới đây, có một nghiên cứu của nhà khoa học khí hậu Kunio Kaiho từ ĐH Tohoku, Nhật Bản, được công bố trên tạp chí Biosciences. Nghiên cứu này đã đưa ra dự báo về sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6. Theo vị chuyên gia này, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái đất sẽ không thảm khốc như 5 lần trong quá khứ.
Khi tiến hành phân tích mối quan hệ giữa sự ổn định của nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất và sự đa dạng sinh học, ông Kunio Kaiho đã phát hiện ra rằng, mức độ tuyệt chủng sẽ tăng lên khi nhiệt độ thay đổi.
Chuyên gia dự đoán về cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái đất. (Ảnh: Getty Images)
Trên thực tế, cuộc tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong các đợt giảm nhiệt toàn cầu xảy ra khi nhiệt độ giảm khoảng 7 độ C. Thế nhưng theo vị chuyên gia này ước tính, trong thời kỳ Trái đất nóng lên, các cuộc tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất đã xảy ra khi nhiệt độ trên hành tinh nóng lên khoảng 9 độ C.
Con số này thực chất cao hơn đáng kể so với những dự đoán trước đó. Điều này cho thấy nếu nhiệt độ tăng 5,2 độ C thì sẽ gây tuyệt chủng hàng loạt như ở hệ sinh thái biển với mức độ ngang bằng 5 cuộc tuyệt chủng trước đó.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện tượng nóng lên toàn cầu được dự báo sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất lên tới 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, theo ông Kunio Kaiho, nếu chỉ sử dụng nhiệt độ bề mặt thì việc dự đoán về cường độ tuyệt chủng do con người gây ra trong tương lai sẽ rất khó. Bởi thực tế cho thấy nguyên nhân của cuộc tuyệt chủng do con người gây ra khác với nguyên nhân của sự tuyệt chủng hàng loạt trong thời gian địa chất.
Hậu quả của biến đổi khí hậu khiến nhiều loài động vật trên đất liền và dưới biển bị tuyệt chủng, dù nhà nghiên cứu không lường trước được mức thiệt hại trong quá khứ.
Sự ấm lên toàn cầu ngày nay đang diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều do con người thải ra nhiều khí nhà kính. Điều này có thể khiến nhiều loài sẽ bị tuyệt chủng hơn trong cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 của Trái đất. Nguyên nhân không phải vì mức độ ấm lên quá lớn mà vì những thay đổi diễn ra quá nhanh cho nhiều loài không kịp để thích nghi.
Con người từng suýt tuyệt chủng?
Con người từng trải qua những giai đoạn bị sụt giảm dân số nghiêm trọng, thậm chí suýt tuyệt chủng.
Con người (Homo sapiens) đã tồn tại khoảng 300.000 năm. Trong thời gian dài này, con người đã tăng đáng kể về cả lãnh thổ và số lượng. Tuy nhiên thực tế thì cuộc sống trên Trái đất không phải lúc nào cũng dễ dàng. Theo các chuyên gia, có một vài thời điểm con người phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì sao?
Con người từng trải qua nhiều đợt sụt giảm dân số lớn. (Ảnh: Geekys)
Cụ thể, một trong số biến cố trên xảy ra vào khoảng 190.000 năm trước khi Trái đất bước vào thời kỳ băng hà.Trong giai đoạn nay, Trái đất phần lớn trở nên lạnh và khô. Điều này dẫn tới sự hình thành của các sông băng, sa mạc băng.
Tình trạng băng giá này kéo dài khoảng 60.000 năm. Đặc biệt, khi những khu vực có thể sinh sống bị thu hẹp, dân số của con người cũng vậy. Theo ước tính của một số nhà di truyền học, số lượng người có khả năng sinh sản giảm từ khoảng 10.000 người xuống chỉ còn 600.
Nhiều người trong số này sống ở bờ biển phía nam châu Phi. Nơi đây có nhiều loài thực vật giàu carbohydrate, động vật có vỏ giàu protein và những dòng hải lưu ấm. Chính vì vậy, nhóm người này có vẻ đã phát triển mạnh.
Đặc biệt, một người phụ nữ, thành viên trong nhóm này được các nhà khoa học gọi là "Eve ti thể" của con người. Người phụ nữ này có chứa nguồn gốc ADN ti thể của tất cả con người ngày nay và trở thành tổ tiên chung của nhân loại.
Tuy nhiên, kể từ lúc đó, những đột biến di truyền và biến thể xuất hiện chồng chất. Chính vào điều này nên các nhà khoa học đã lập nên những sơ đồ phòng giống.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rằng, so với các động vật khác, con người hóa ra không có nhiều khác biệt về gene. Thay vào đó, họ tin rằng, đây chính là kết quả của một đợt suy giảm đáng kể nữa về kích thước quần thể.
Đợt suy giảm này được phỏng đoán là xảy ra vào khoảng 70.000 năm trước. Lúc đó chỉ còn khoảng 2.000 người sống sót.
Thực tế nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số của con người vẫn còn gây ra không ít tranh cãi.
Theo các giả thuyết cũ, nguyên nhân là núi Toba tại Indonesia, phun trào. Vụ việc này đã tạo ra 2.800 km3 tro bụi và dung nham, đồng thời che khuất Mặt Trời và gây ra kỷ băng hà. Thế nhưng những nghiên cứu sau này chỉ ra rằng, con người hóa ra không bị sự kiện này ảnh hưởng quá nhiều.
Mặc dù nguyên nhân là gì nhưng dân số loài người cũng đã khắc phục. Ngoài ra, dân số của con người đạt mốc 1 triệu người vào khoảng 12.000 năm trước. Theo các chuyên gia dự đoán, dân số Trái đất sẽ đạt 8 tỷ người vào năm 2022.