Sống thọ và khỏe mạnh mà không dùng đến thuốc hay bất kỳ sự trợ giúp nào như cụ Sadie Kaplan ở New York (Mỹ), sắp bước qua tuổi 105 vào tháng 6 tới, luôn là khát vọng của nhân loại mặc dù bí quyết sống lâu của bà vẫn còn là ẩn số.
Bí quyết sống thọ của cụ Kaplan vẫn còn là điều bí ẩn. (Ảnh: MSNBC) |
Ngoài dự án gien trường thọ vừa kể, các chuyên gia chống lão hóa ở Mỹ cũng đang theo đuổi nhiều phương pháp mà họ hy vọng một ngày nào đó sẽ giúp chúng ta trường sinh. Dưới đây là những liệu pháp đang được chú ý:
Hạn chế calorie
Nhiều thập niên qua, việc rèn luyện thói quen ăn ít được xem là “tiêu chuẩn vàng” để tăng cường tuổi thọ. Chế độ ăn hạn chế calorie (CR) được cho giúp hạ cholesterol, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, viêm nhiễm và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Nguyên nhân là do CR góp phần làm biến đổi các enzyme trao đổi chất thiết yếu, từ đó sản sinh ra nhiều protein mới và loại bỏ những protein đã tổn thương.
Qua thử nghiệm bước đầu, liệu pháp này giúp tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc bệnh ở men, giun, ruồi, chuột trong khi giúp phòng ngừa bệnh tim, huyết áp cao và cholesterol cao ở trên người. Tuy vậy, thử nghiệm cho thấy việc duy trì liệu pháp “thực thiểu” từ năm này qua năm khác rất khó và người dùng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng. Hơn nữa, những tác động của CR lên hệ miễn dịch vẫn chưa được xác định.
Bắt chước CR
Thuốc hoặc thực phẩm chức năng bắt chước tác động của CR mà không cần nhịn ăn được cho cũng có ích, nhất là khi chúng tác động đến hàng loạt protein chi phối tuổi thọ của sinh vật. Ở người, một trong những gien chủ chốt giúp điều hòa các cơ chế chuyển hóa liên quan đến quá trình lão hóa là SIRT1. Năm ngoái, khi Sirtris Pharmaceuticals giới thiệu thuốc SRT501 trị bệnh tiểu đường típ 2, giới chuyên môn nhận thấy dược phẩm này có tác động đến quá trình lão hóa bằng cách kích hoạt gien SIRT1 và bắt chước những tác động của CR ở cấp độ tế bào. Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân tiểu đường ở Ấn Độ cho thấy SRT501 an toàn và không gây tác dụng phụ.
Tác động ở cấp tế bào
Các nhà nghiên cứu ưu tiên hai “ứng viên” tiềm năng là yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) và mTOR. IGF-1 kiểm soát một loạt hormone có chức năng thúc đẩy tế bào tăng trưởng trong thời niên thiếu và kéo dài đến suốt cuộc đời nhưng với mức độ ít hơn. Sự đột biến sẽ làm giảm hiệu quả của IGF1 và tốc độ tăng trưởng – phương pháp được chứng minh giúp tăng đáng kể tuổi thọ của giun, ruồi và chuột. Điều này bổ sung cho những phát hiện gần đây của tiến sĩ Nir Barzilai, giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa Mỹ, cho rằng đột biến khiến người ta thấp bé nhưng lại làm tăng tuổi thọ, như trường hợp của cụ Kaplan. Còn MTOR là protein điều chỉnh sự phát triển và sinh sôi của tế bào. Gần đây, các nghiên cứu về mTOR cũng cho thấy 15 trong số 25 gien có chức năng điều tiết sự lão hóa ở men và giun cũng hiện diện ở người.
Telomere, chất chống ôxy hóa và tế bào gốc
Trong khi đó, giới y học quốc tế đang thử nghiệm bước đầu phương pháp bảo vệ telomere, phân tử bảo vệ 2 đầu nhiễm sắc thể, bởi cơ thể càng già thì kích cỡ của các telomere càng ngắn lại hoặc bị bào mòn làm nhiễm sắc thể dễ bị tổn thương và cơ thể dễ sinh bệnh. Tương tự là liệu pháp chất kháng ôxy tự nhiên có trong rau quả giúp hạn chế sự tổn thương khi các mô, cơ lão hóa nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan. Ngoài ra còn có liệu pháp ghép tế bào gốc để chống lão hóa nhưng quá trình nghiên cứu và thử nghiệm không được suôn sẻ do những tranh cãi và hạn chế xung quanh việc sử dụng tế bào gốc từ phôi thai.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Barzilai khẳng định về mặt sinh học, một ngày nào đó, tuổi thọ trung bình của con người có thể dài thêm 10 năm so với tuổi trung bình 80 hiện nay, thậm chí chúng ta có thể sống đến 110 tuổi. Không chỉ vậy, con người cũng sẽ sống khỏe hơn nhờ vào sự can thiệp của y học ngay từ tuổi trung niên.