Một bức ảnh phải mất 9 năm để chụp được và suýt nữa bị xoá đi ở phút cuối đã giành giải thưởng Shell Wildlife Photographer trong năm nay. Đó là bức "Con quỷ trong bão cát" của nhà quay phim Thụy Điển Goran Ehlme.
Goran Ehlme đã cố gắng chụp hình một con hải mã ăn trai sò trên đáy biển trong một cơn lốc xoáy mù mịt, khuôn mặt của con vật nhô rõ ra từ giữa đám mây trầm tích đó.
Ông đã ghi được khoảnh khắc kỳ diệu này từ một máy ảnh kỹ thuật số và đã xoá đi rất nhiều bức không hài lòng. "Ngón tay của tôi suýt nữa thì bấm nút để xoá nốt ảnh này, nhưng tôi bỗng nhận thấy một thứ gì đó đặc biệt", ông cho biết.
(Ảnh: BBC) |
Goran là một nhà quay phim lão luyện về lịch sử tự nhiên. Ông đã mất gần một thập kỷ để tìm hiểu hành vi của hải mã và tìm cách tiến gần đến con vật mà không bị tấn công. Nặng 1,5 tấn, con thú dữ sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu cảm thấy bị đe doạ. Chiếc ngà lớn của nó có thể giết được cả gấu trắng Bắc cực.
"Bức ảnh mang lại cảm giác thật thú vị, hình ảnh gây chú ý đập ngay vào mắt. Một bức ảnh đơn giản thể hiện được một hành vi lý thú", chủ tịch ban giám khảo Mark Carwardine nhận xét.
Tiến thoái lưỡng nan
(Ảnh: BBC) |
Giải thưởng giành cho nhà nhiếp ảnh trẻ năm nay thuộc về Rick Stanley 17 tuổi, đến từ Mỹ. Được chụp trong cuộc tham quan tới Cộng hoà Dominica, bức ảnh cho thấy một con ếch Hispaniolan tuyệt vọng đang bị một con rắn xanh cắn chặt.
"Tôi chớp lấy cảnh tượng bi kịch này khi con ếch đang treo lơ lửng ngay trước mặt mình, nhưng bạn của tôi là Rubio thì đã không kìm được lòng và cứu giúp nạn nhân bằng cách chạm nhẹ vào con rắn khiến nó buông mồi và lẩn đi giữa các nhánh cây".
Con ếch có vẻ chưa bị ảnh hưởng gì và vội vàng nhảy đi mất.
Rick gọi bức ảnh của mình là Tiến thoái lưỡng nan bởi tình cảnh khiến anh phân vân không biết có nên cướp bữa ăn của con rắn hay để nó xơi mồi.
Vũ điệu hồng hạc
(Ảnh: BBC) |
Một bức ảnh chắc chắn thu hút nhiều ánh mắt trong năm nay ghi lại hình ảnh những con hồng hạc tại hồ Nakuru (Kenya) của nhiếp ảnh gia Todd Gustafson. Chiếc hồ đã được bao phủ một màu hồng khi những con chim bay tới để tìm bạn đời.
"Những con chim đực được chụp ngay bên rìa của sàn nhảy. Dáng đứng cao ngạo của chúng thể hiện đã sẵn sàng cho màn khiêu vũ gây ấn tượng lên các cô nàng", Todd nói.
"Điều hay nhất đối với tôi là góc nhìn. Tôi không nhìn từ trên xuống. Tôi đang nằm trên đáy hồ, nhìn thẳng vào chúng, vì vậy đằng sau chúng toàn là màu hồng".
Bức ảnh của Todd đứng thứ hai trong danh mục ảnh về chim trong giải Hành vi động vật.
Cuộc sống tĩnh lặng và con gấu
(Ảnh: BBC) |
Bức ảnh chụp con gấu nhòm qua cửa sổ của Igor Shpilenok đã đoạt giải về cuộc sống hoang dã nơi đô thị. Bức ảnh được chụp tại căn nhà nhỏ của Igor tại bán đảo Kamchatka ở cận đông nước Nga.
Anh nghe thấy tiếng động ở cửa. "Tôi nghĩ rằng đó người cộng sự sống ở kế bên. Tôi bảo cửa mở và mời cô ta vào", Igor nói.
Khi không thấy ai trả lời anh liền thò chân ra để mở cửa. Khi cửa bật phải một cái gì đó, Igor định thốt lên lời xin lỗi. Nhưng đó không phải là người mà là một con gấu, nó đã cậy được cửa ở bên ngoài và đang hít ngửi xung quanh.
"Con vật nhìn tôi với vẻ thân thiện nhưng dù thế nào tôi cũng đóng ngay cửa lại", Igor nói.
Anh vớ lấy máy ảnh và chụp ngay bức ảnh duy nhất này. Một quả chanh bị thối bỏ quên trên bệ cửa sổ làm rõ nét thêm cho cuộc sống tĩnh lặng này.
Cua dừa leo cây
(Ảnh: BBC) |
Bạn cần một công cụ gì đó để mở một quả dừa, và con vật này thì đã có sẵn. Cua dừa có thể là loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn, với chiều dài từ đầu chân này sang chân kia tới 1 m. Nó cũng có những chiếc càng rất khoẻ.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Jan Vermeer được chụp tại Aldabra trên Ấn Độ Dương.
"Bức ảnh có bố cục hoàn chỉnh. Khi con cua bò lên, tôi nhìn thấy các cây ở hai bên. Tôi đặt con vật vào chính giữa, bằng cách đó bạn có thể kể cả một câu chuyện", Jan nói.
Bức ảnh đoạt giải Động vật trong môi trường của chúng.
Đây là một trong những cuộc thi có uy tín nhất của giới nhiếp ảnh. Cuộc thi do Tạp chí động vật hoang dã BBC và Bảo tàng lịch sử tự nhiên London tổ chức. Năm nay có hơn 18.000 bức ảnh tham dự từ 55 quốc gia.
M.T.