Côn trùng có bị bệnh béo phì hay không? Đó là câu hỏi gởi về chuyên mục "Ask Us Anything" của Popular Science và câu trả lời là "Có". Những nghiên cứu đầu tiên về chứng béo phì trên côn trùng từng được thực hiện đầu thập niên 1960 bởi một nhà côn trùng học sống ở bang Florida, Mỹ. Lúc đó, nhà khoa học thử nghiệm cho ruồi ăn bằng tay (bằng cách sử dụng ống để bơm thức ăn vô vòi của chúng), ông thấy rằng có thể khiến một nửa phần cơ thể của ruồi trở thành béo phì, tính theo trọng lượng khô của chúng.
Côn trùng cũng mắc bệnh béo phì như người
Những năm gần đây, các nhà khoa học khác từng nghiên cứu chứng béo phì trên chuồn chuồn đực. Ruud Schilder, một nhà sinh vật học ở Penn State ghi nhận rằng những con chuồn chuồn đực bị nhiễm một loại kí sinh trùng đặc biệt, sẽ làm cơ thể chúng có xu hướng tích tụ chất béo ở xung quanh các cơ bắp điều khiển đôi cánh.
Việc này làm con chuồn chuồn khó tìm bạn tình hơn, cũng như khó đánh nhau khi giành lãnh thổ với các con đực khác, vì con chuồn chuồn "béo phì" có sức bền kém hơn, không thể duy trì các chuyến bay dài bằng những con khác. Ngược lại, những con chuồn chuồn khỏe mạnh sẽ có cơ thể mạnh mẽ hơn, sức bay bền hơn và từ đó duy trì nòi giống tốt hơn.
- Chùm ảnh côn trùng độc, lạ hiếm thấy
- Những cuộc xâm chiếm kinh dị của côn trùng "xấu xí"
- Côn trùng ngủ như thế nào?
Các nghiên cứu qui mô lớn về chứng béo phì trên côn trùng từng được thực hiện trên ruồi giấm. Người ta cho ấu trùng ăn chế độ ăn giàu năng lượng và họ thấy rằng chúng mập lên rất nhanh chóng, thậm chí những con được cho ăn nhiều đường còn có biểu hiện giống như bị bệnh béo phì, tiểu đường và vòng đời ngắn hơn hẳn những con khỏe mạnh.
Khi trưởng thành, những con ruồi giấm sẽ đạt tới kích thước cơ thể tối đa, vì cơ thể của ruồi được bao bọc bên ngoài là một "khung xương", nghĩa là vòng bụng của chúng không thể nới rộng hơn nữa, vì vậy lượng mỡ dư thừa được tích tụ trong cơ thể dưới dạng giọt, nằm trong tế bào.