Côn trùng làm thuốc

Ong vò vẽ 100-150 con vặt bỏ cánh, rũ sạch đất cát, ngâm vào 1 lít rượu 40-50 độ, để càng lâu càng tốt. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một chén nhỏ, giúp chữa đau khớp, nhức xương; hoặc xoa bóp chữa tụ máu, bầm tím. Người bị bệnh thận, phổi và tim không nên dùng.

Ong vò vẽ (Ảnh: VNE)

Trong thế giới động vật, côn trùng chiếm một phần đáng kể. Ngoài những loại đã trở thành những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền như bọ cạp, ong mật, xác ve sầu… nhiều loại khác ít được biết đến nhưng lại có tác dụng thiết thực trong việc phòng và chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian.

Ong bò vẽ

Còn có tên khác là ong đất, ong bắp cày, ong khổng lồ, là một loài côn trùng cánh màng ăn thịt, rất dữ. Đầu màu vàng, ngực màu nâu nhạt và bụng màu đen, kích thước to hơn ong mật. Ong sống thành đàn hoặc đơn độc, không làm mật; làm tổ dưới đất hoặc trên lùm cây, mái nhà.

Ấu trùng ong bò vẽ (3-5 g) sắc uống hoặc sao vàng, tán bột, uống chữa ngực bụng đau, nôn khan. Dịch chiết từ ấu trùng ong được pha chế thành dạng nước uống có tên là VAAM (Vespa amino acid mixture) có tác dụng làm tăng và bền sức rất mạnh. Thuốc được dùng cho những vận động viên chạy đường dài (marathon).

Ở một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, người ta tìm tổ ong bò vẽ để lấy nhộng ong và ong non về làm thức ăn bồi dưỡng cho trẻ nhỏ gầy yếu, kém ăn, chậm lớn.

Ngài tằm

Tên thuốc trong y học cổ truyền là tàm nga, có con đực và con cái. Thường chỉ dùng ngài tằm đực bắt vào 5-6 giờ sáng, đem vặt cánh, bỏ đầu và chân, phơi hoặc sấy khô. Có thể dùng tươi. Dược liệu có vị mặn, bùi, béo, thơm, tính ấm.

Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) từng dùng ngài tằm đã chế biến tán thành bột, cho uống bệnh nhân mỗi lần 8 g với rượu vào lúc đói để chữa tiểu buốt do chứng lậu. Hoặc lấy bột ngài tằm trộn với mật ong bôi trong miệng, chữa trẻ em bị chứng “phong chúm miệng”, cứng lưỡi, khóc không ra tiếng.

Theo kinh nghiệm dân gian, ngài tằm đực (7 con, sao giòn) phối hợp với tôm he bóc vỏ (20 g), giã nát, trộn với trứng gà (2 quả) dùng dưới dạng thức ăn như rán và hấp chín để làm thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh, chữa liệt dương, mộng tinh, không có con. Có thể dùng dạng rượu ngâm gồm: ngài tằm đực 100 g, dâm dương hoắc 60 g, ba kích 50 g, kim anh 50 g, thục địa 40 g, sơn thù 30 g, ngưu tất 30 g, khởi tử 20 g, lá hẹ 20 g, đường kính 40 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 2 lít rượu 40 độ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 ml trước hai bữa ăn chính và khi đi ngủ.

Ngài tằm đực còn được bào chế với nhung hươu, cá ngựa, nhân sâm và nhiều vị thuốc bổ khác dưới dạng cao chiết xuất bằng cồn 70 độ và viên bao, lấy tên là Bipharton (theo chương trình nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại) có tác dụng tăng trọng, kích thích sinh dục.

Kiến đen

Là côn trùng không cánh, toàn thân dài 1,3-1,5 cm, màu đen bóng. Sống thành đàn lớn ở rừng núi, làm tổ dưới đất; đến mùa mưa lũ, lại kéo nhau lên cây để xây tổ tránh lụt.

Kiến đen chứa 40-67% protein gồm nhiều loại acid amin, trong đó có 8 chất không thay thế được. Tên thuốc trong y học cổ truyền là hắc mã nghị, được dùng sống. Dược liệu có vị mặn, cay, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau. Hằng ngày, lấy kiến đen rửa sạch, xào với mướp đắng ăn; kết hợp lấy kiến ngâm dầu (dầu thầu dầu hoặc dầu lạc) để một thời gian, dùng xoa bóp chữa viêm khớp, tê thấp, viêm gan mạn tính. Dùng ngoài, giã nát kiến đen đắp chữa mụn nhọt, rắn cắn.

Trứng kiến đen thường được đồng bào các dân tộc miền núi ở phía Bắc thu về để thổi xôi ăn hằng ngày làm thuốc bổ, tăng cường thể lực. Phụ nữ cho rằng ăn nhiều trứng kiến đen sẽ có làn da đẹp, mịn màng, tươi tắn.

Dế mèn

Bộ phận dùng làm thuốc là cả con dế mèn, nhúng vào nước sôi cho chết, vặt cánh, râu và đuôi, rồi phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có tên thuốc là tất xuất, vị mặn, cay, tính bình, vào 3 kinh bàng quang, đại tràng và tiểu tràng, có tác dụng lợi tiểu.

Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng dế mèn 5 con sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước sắc hạt bìm bìm vào lúc đói chữa cổ trướng, thở dốc.

Theo kinh nghiệm dân gian, dế mèn (2-3 con) nướng giòn, tán bột, uống làm 2-3 lần với rượu chữa bí tiểu; kết hợp lấy dế mèn còn sống, giã nát với một củ hành và ít muối, đắp vào rốn, băng lại. Dùng vài ngày đến khi tiểu được.

Chữa nhiễm độc nước tiểu: Dế mèn 7 con bỏ đầu, chân, rang chín, tán nhỏ, uống với rượu. Có thể sắc uống.

Chữa sỏi: Dế mèn 10 con, sao vàng, tán bột mịn; kim tiền thảo 30 g cắt nhỏ, sắc lấy nước. Uống bột dế mèn với nước kim tiền thảo làm hai lần trong ngày.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video