Các nhà khoa học vừa công bố ba loài thực vật mới thuộc ba họ khác nhau tại khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa).
Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu Việt - Hàn giai đoạn 2011- 2013, nhóm khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Trung tâm sinh học và Nguyên liệu sinh học (Hàn Quốc) đã thực hiện khoảng 20 chuyến điều tra nghiên cứu hệ thực vật tại khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và phát hiện ra ba loài mới.
Loài Dillenia Tetrapetala. (Ảnh: VAST)
Loài đầu tiên có tên khoa học là Dillenia Tetrapetala Joongku Lee, T.B.Tran & R.K.Choudhary (Dilleniaceae), thuộc họ Sổ. Chúng là cây gỗ cao 10-20m, thân đường kính khoảng 20 cm và có màu nâu nhạt đến nâu. Lá của chúng có hình elip thuôn-bầu dục. Hoa của loài dài khoảng 5,5 - 6,5cm, cuống dài 1,5-4cm.
Chúng thường mọc rải rác ven rừng, trong rừng tre nứa, trảng cây bụi, ven suối, ở độ cao khoảng 200-300m.
Cũng tại khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, nhóm khoa học còn phát hiện loài Argostemma glabra Joongku Lee, T.B.Tran & R.K.Choudhary (Rubiaceae), thuộc họ cà-phê. Chúng cao 20-25cm, với thân không phân nhánh. Lá bề mặt trên của loài màu xanh đậm, màu trắng xanh bên dưới, thường nở hoa vào tháng 4.
Loài Argostemma glabra. (Ảnh: VAST)
Loài Argostemma glabra là một dạng cây thân thảo nhẵn và mọng nước được tìm thấy trong rừng kín thường xanh hỗn giao nguyên sinh và rừng tiểu ôn đới trên những mô và mô đất giàu mùn, rêu, ở độ cao 1500m.
Loài thứ ba vừa được công bố là Cordiglottis longipedicellata Joongku Lee, T.B.Tran & R.K.Choudhary, (Orchidaceae) thuộc họ Lan. Loài này thuộc cây thảo phụ sinh, thân dài 20cm. Lá của chúng có màu xanh đậm, xếp chéo từ gốc; còn cụm hoa rủ xuống, dài 2-2,3cm; cuống dài 0,5-0,8cm. Hoa của chúng có đường kính 2-2,5cm. Tháng 4-5 là mùa hoa quả của chúng.
Loài Cordiglottis longipedicellata. (Ảnh: VAT.ST)
Chúng thường được tìm thấy trên cây kích thước trung bình trong rừng hỗn hợp thường xanh nguyên sinh và rừng tiểu ôn đới dọc theo sườn núi ở độ cao khoảng 1500m. Loài này thường mọc chung với các loài như Lithocarpus, Melastoma, Pinanga và cây dương xỉ.
Ba loài trên đang được lưu trữ tại phòng tiêu bản thực vật, Phòng thực vật - Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.