Hôm nay (17/5), Sở KH-CN TP.HCM tổ chức họp báo chính thức công bố về nguyên nhân cháy xe trong thời gian qua.
Đây là kết quả nghiên cứu mà Sở đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC), Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện sau hàng loạt các vụ cháy xe liên tiếp xảy ra.
Theo TS Huỳnh Quyền, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, bước đầu nhóm nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu với động cơ xe máy. Các nghiên cứu sơ bộ trước đó đã chỉ ra ba nhóm nguyên nhân dẫn đến cháy xe như việc sử dụng xăng kém chất lượng (pha methanol, ethanol) không đúng kỹ thuật; chập điện và các yếu tố khách quan, chủ quan do người sử dụng. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và biện luận về kết quả đã đạt được.
Trong ba nhóm nguyên nhân, việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật được cho là tác nhân dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn có hiện tượng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao, song cũng có trường hợp do người sử dụng bất cẩn làm rò rỉ. Nguồn xăng rò rỉ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ độ nóng sinh ra từ các nguồn: hoạt động của máy xe, hoặc ma sát của hệ thống hãm, hoặc tia lửa điện phát ra do chập mạch của hệ thống điện trong xe (hiện tượng này được giải thích do hệ thống bảo vệ cầu chì không còn tác dụng hoặc cầu chì kém chất lượng)... Theo nhận định, đây là những yếu tố tạo nên khả năng gây cháy xe.
Trước đó, ngày 26/4, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cũng đã có cuộc họp báo công bố kết quả bước đầu nghiên cứu về nguyên nhân cháy xe. Ttại buổi họp báonói trên, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra kết quả bước đầu nghiên cứu cgo thấy, nguyên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu có pha thêm metanol và etanol với nồng độ dưới 30% không thể tự động bốc cháy, không gây ra cháy phương tiện ôtô và xe gắn máy trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nhiên liệu và sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng lớn hơn 400 độ C. Mặt khác, nhiên liệu xăng có pha hàm lượng metanol và etanol cao gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu xăng dẫn đến rò rỉ nhiên liệu tạo ra khả năng cháy nổ khi có nguồn nhiệt cao, đặc biệt khi có chập cháy tia lửa điện.
Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 16/5, ông Vinh khẳng định, các nghiên cứu như đã nói ở trên đây vẫn chưa khẳng định được chính xác xăng dầu là nguyên nhân chính dẫn đến cháy xe. Do vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.