Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự phức tạp về văn hóa thường có xu hướng tăng lên ở những nhóm dân cư đặc thù.
Nếu từng học tiếng Phần Lan, Tiệp Khắc hay Baxcơ (ở miền Tây Pirênê, Đông bắc Tây Ban Nha, Tây Nam Pháp), ... bạn sẽ thấy ngữ pháp của chúng phức tạp hơn tiếng Anh nhiều.
Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra: Tại sao các ngôn ngữ có đông người nói như tiếng Anh và tiếng Quan Thoại lại thường có ngữ pháp đơn giản.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cornell ở Ithaca (Mỹ) đã phát triển mô hình máy tính mô phỏng cách thức sử dụng một ngôn ngữ trong dân chúng và xu hướng tiến hóa của nó theo thời gian.
Các ngôn ngữ ít người nói thường có ngữ pháp phức tạp hơn. (Ảnh: Yuen Yiu/CC By-SA 2.0).
Kết quả cho thấy: Đối với những quần thể ngôn ngữ lớn thì các yếu tố đơn giản như từ vựng thường có xu hướng gia tăng; trong khi những yếu tố phức tạp như ngữ pháp lại thường giảm đi. Lý giải cho điều này, đó là do các cá thể trong cộng đồng lớn thường hay tương tác với người khác nhưng lại ít trực tiếp gặp gỡ hơn. Chính sự tiếp xúc này, lặp đi lặp lại, có tác dụng giúp các cá nhân học những khái niệm khó nhớ như ngữ pháp.
Trong tuần trước, kết quả trên đã được công bố tại Kỷ yếu của Hiệp hội khoa học Hoàng gia (Royal Society B).
Phát hiện trên cũng phù hợp với một thực tế rằng các ngôn ngữ như tiếng Anh và tiếng Quan Thoại thường có lượng từ vựng tương đối lớn.
Điểm thú vị là xu hướng này thường bị đảo ngược ở những cộng đồng ngôn ngữ ít người hơn, vì những yếu tố tưởng như đơn giản lại gặp khó khăn trong quá trình phát triển. Điều này cũng giúp lý giải cho sự xuất hiện nhiều của các hiện tượng văn hóa phức tạp tại những cộng đồng thiểu số này - như sự ra đời của điệu Bebop trong giới nhạc Jazz giữa những năm 1940 ở New York.
Morten Christiansen, nhà tâm lý học và đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho rằng: "Điều này không có nghĩa là toàn bộ tất cả các nền văn hoá, mà chỉ những thành tố chính sẽ trở nên đơn giản hơn theo thời gian".
Nghiên cứu trên cũng ngụ ý rằng: Việc bảo tồn các truyền thống văn hoá phức tạp đòi hỏi nhiều nỗ lực mang tính ý thức, đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay. Christiansen gợi ý: "Con người có thể tự tổ chức thành những cộng đồng nhỏ để chống lại nguy cơ từ động thái đơn giản hóa".