Các vận động viên bơi lội Trung Quốc có thể lao vọt như hỏa tiễn dưới bể bơi tại Olympic Tokyo một phần nhờ công nghệ hỗ trợ trong luyện tập.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) hôm 30/7 thông báo các nhà nghiên cứu tạo ra phiên bản rút gọn của hệ thống dẫn đường dùng trên tên lửa để giúp vận động viên bơi lội nâng cao kỹ thuật và giảm bớt lực cản. Theo CASC, tư thế bơi ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phía trước. Kỹ thuật này được kết hợp với hệ thống camera thông thường, cung cấp nền tảng khoa học cho đội ngũ huấn luyện viên để rút ra kế hoạch huấn luyện, tối ưu hóa kỹ thuật và giảm lực cản.
Vận động viên bơi lội Trung Quốc tại cơ sở huấn luyện. (Ảnh: SCMP).
Những huấn luyện viên hàng đầu từ lâu đã sử dụng cảm biến chuyển động để theo dõi cử động của vận động viên khi tập huấn. Thiết bị thường bao gồm hệ thống theo dõi qua camera tương tự như trong ngành phim ảnh và ghi lại hoạt động của nhiều bộ phận cơ thể. Ở trình độ cap cấp, thay đổi không dễ thấy bằng mắt thường nhưng có thể tạo ra mọi khác biệt, đòi hỏi công nghệ mạnh hơn để thu thập thông tin.
Để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 10.000 km, tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính. Hệ thống dựa vào con quay hồi chuyển phức tạp để theo dõi chuyển động, xác định địa điểm và vị trí tên lửa khi không có tín hiệu vệ tinh. Con quay hồi chuyển vô cùng chính xác những cũng cồng kềnh và nặng nề đối với tên lửa.
Theo CASC, các nhà khoa học không gian mất hơn một năm để điều chỉnh công nghệ và giảm trọng lượng của của con quay hồi chuyển độ chính xác cao xuống còn vài gram để vận động viên bơi lội có thể đeo thoải mái trên vai hoặc các khu vực khớp khác mà không cản trở chuyển động. Vận động viên sau đó đứng trong đường hầm gió và theo dõi họ "bơi" ngược chiều gió.
Mô phỏng cho phép các nhà khoa học tính toán lực cản chính xác do những chuyển động khác nhau sinh ra, CASC cho biết. Sau đó, kết quả đánh giá giúp đưa ra khuyến nghị về phương pháp giúp vận động viên nâng cao kỹ thuật và quản lý hình dáng cơ thể. Đội chèo thuyền của Trung Quốc vừa giành huy chương vàng ở Thế vận hội, cũng sử dụng đường hầm gió trong huấn luyện.
Tuy nhiên, nhiệm vụ cũng mang tới nhiều thách thức cho các nhà khoa học không gian bởi họ phải mô phỏng tương tác giữa hai loại chất lưu là nước và gió, tìm ra giải pháp tốt nhất để phối hợp chuyển động của 4 vận động viên trên chiếc thuyền dài 12 m. Phần lớn buổi huấn luyện được tiến hành tại cơ sở nghiên cứu phát triển máy bay và tên lửa. Nhưng thiết kế của cảm biến ở cơ sở không dành cho người sống.
Một đường hầm gió mới dành riêng cho huấn luyện thể theo đã khánh thành ở Bắc Kinh năm ngoái, giúp cải thiện hiệu suất trong thi đấu quốc tế, bao gồm Thế vận hội Mùa đông sắp được tổ chức ở Trung Quốc. Các nước khác cũng ứng dụng công nghệ không gian để tăng cường năng lực thi đấu. Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, NASA sử dụng đường hầm gió giúp đội tuyển bơi lội quốc gia tìm ra chất liệu đồ bơi phù hợp với lực cản nhỏ nhất.