Công nghệ hiện đại đe dọa khả năng giao tiếp

Tin nhắn SMS, chat, blog... có xu hướng trở thành công cụ giao tiếp chính trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở Mỹ. Do ngày càng ít nói, khả năng giao tiếp bằng lời nói của họ bị giảm sút, thậm chí gây ra hiểu lầm, phiền lòng từ những người chung quanh

Nói một cách nôm na, giới trẻ Mỹ ngày càng dùng “ngôn ngữ ngón tay” nhiều hơn “ngôn ngữ lưỡi” vì họ bấm, gõ phím điện thoại di động (ĐTDĐ) và máy tính như máy trong khi lại ít diễn đạt ý tưởng bằng lời nói.

Nhắn tin đến quên nói

Với Alexandra Smith, 18 tuổi, chiếc ĐTDĐ Motorola Razr là vật bất ly thân vì lúc nào cô cũng hí hoáy nhắn tin. Bình quân mỗi tháng Alexandra nhắn đến hơn 1.000 tin nhắn SMS, tức bình quân hơn 30 tin/ngày. Nói chính xác hơn, cô không gởi tin nhắn như thông thường mà là chat qua mạng. Cô “nói” bằng SMS đến mức cha mẹ cô phải nài nỉ Alexandra hãy chịu khó đưa điện thoại lên miệng để nói chuyện khi liên lạc với họ thay vì chỉ gởi SMS.

Trường hợp Alexandra không phải là cá biệt trong giới trẻ Mỹ hiện nay. Có những em nhắn đến 20-30 tin mỗi ngày. Cô bé Erica Beal cũng là một điển hình về nghiện kỹ thuật số: Từ năm 12 tuổi, tai nghe ĐTDĐ luôn gắn chặt với cô. Lên 15, cô chuyển sang dùng SMS và 17 tuổi thì chuyển qua dùng dịch vụ blog MySpace. Năm nay 18 tuổi, Erica thường xuyên truy cập blog Facebook và gởi khoảng 10-15 tin nhắn mỗi ngày.

Đa số học sinh có ĐTDĐ nhưng các em vẫn thích dùng tin nhắn SMS để trao đổi thay cho các cuộc gọi thông thường. Xu hướng dùng tin nhắn thay cho lời nói của giới trẻ còn được các công ty ĐTDĐ tiếp sức bằng cách tung ra các loại máy có bàn phím lớn, dễ nhắn và có thể nhắn những tin nhắn dài hơn.

Ngôn ngữ kỹ thuật số trong giới trẻ còn mở rộng sang cả các cộng đồng mạng (social networking) như MySpace và Facebook, các website cung cấp dịch vụ blog. Mọi ý tưởng được chia sẻ, trao đổi, tranh luận qua mạng thay vì dùng lời nói.

Báo USA Today nhận xét dí dỏm rằng “miệng các em mở rộng nhưng những chiếc laptop và ĐTDĐ cũng mở rộng và ý tưởng lại phát ra từ đó. Ngay cả các sao được giới trẻ hâm mộ cũng phải học cách giao tiếp qua ngôn ngữ ngón tay cái. Nữ diễn viên tuổi teen Lindsay Lohan cho biết, cô phải trả lời hàng ngàn tin nhắn SMS do fan gởi tới.

Ông Brett Dicker thú nhận từ khi con ông bắt đầu học trung học phổ thông, hai cha con chỉ còn nói chuyện với nhau chừng 10 lần trong 1 năm. Thay vào đó, cậu con chỉ thích... chat với cha mẹ qua trình nhắn tin tức thì (IM).

Nguy cơ mất khả năng giao tiếp bằng lời

Tình trạng “nói bằng ngón tay” trầm trọng đến mức đã có những quyển sách cảnh báo và hướng dẫn cách giao tiếp bằng lời, chẳng hạn như quyển “Giao tiếp tại nơi làm việc: Làm sao nói để người khác lắng nghe bạn” của Sonya Hamlin. Tác giả Sonya cho biết, bà quyết định viết quyển sách này sau một lần đi dạy tại một trường phổ thông thuộc loại “rất sáng giá” tại California, Mỹ. Bà bị bất ngờ vì nhiều em học sinh trả lời những câu cụt lủn đến mức vô nghĩa, không có thông tin gì cả. Tìm hiểu thêm, bà phát hiện các em không có được kỹ năng nghe hiểu tốt vì chỉ quen đọc tin nhắn trên ĐTDĐ hay máy tính chứ ít nói chuyện trực tiếp với nhau.

Kết quả khảo sát năm 2005 của tổ chức phi lợi nhuận Achieve cho thấy, 34% nhà tuyển dụng không hài lòng với kỹ năng giao tiếp bằng lời của ứng viên tốt nghiệp tú tài. Và cũng có đến 45% số người tốt nghiệp tú tài hay đại học thừa nhận họ không tự tin với khả năng nói chuyện nơi công cộng của mình.

Trong khi đó, theo điều tra của Pew Internet & American Life Project, xu hướng giao tiếp không dùng lời nói đang tăng lên đáng lo ngại. Trong số các học sinh có ĐTDĐ và lên Internet mỗi ngày, có đến 53% thường xuyên giao tiếp với bạn bè qua SMS và 61% qua tin nhắn IM.

Xu hướng này đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ. Năm 2004, có 22% người dùng ĐTDĐ ở Mỹ dùng tin nhắn SMS. Đến năm 2005, tỉ lệ này tăng lên 36% với tổng số tin nhắn được gởi qua mạng là 500 tỉ tin. Dự kiến đến năm 2010, con số này sẽ lên đến 2.300 tỉ tin.

Tuy nhiên, một số chuyên viên xã hội học khác thì cho rằng, không có gì đáng lo ngại. Đến một lúc nào đó, chẳng hạn như lúc yêu nhau, giới trẻ sẽ quay lại dùng phương pháp giao tiếp truyền thống bằng lời nói, mọi việc lại đâu vào đấy vì không ai có thể ngậm miệng cả đời được.

TƯỜNG NGHI

Theo NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video